U xơ tử cung: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị từ chuyên gia

U xơ tử cung là bệnh lành tính, xuất hiện ở phụ nữ trong mọi độ tuổi. Cùng iPREG tìm hiểu những dấu hiệu…

U xơ tử cung là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ nhưng khó phát hiện vì không có triệu chứng rõ ràng. U xơ dạng này khá lành tính nhưng vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng tránh u xơ tử cung, bạn đọc hãy cùng iPREG tìm hiểu chi tiết qua nội dung được chia sẻ bởi bác sĩ Đặng Thanh Tâm dưới đây.

Chịu trách nhiệm nội dung: Dr. Đặng Thanh Tâm

ThS – Bác sĩ Đặng Thanh Tâm hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh Viện Đa Khoa Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên năm 2017, nhận bằng thạc sĩ sản nhi năm 2019 tại Đại học Y Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, bác sĩ Đặng Thanh Tâm quyết định tham gia làm bác sĩ cố vấn cho iPREG. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.

Xem thêm: Chửa trứng (Thai trứng) là gì? Triệu chứng và cách điều trị

U xơ tử cung là gì?

U xơ tử cung (tên tiếng Anh – Uterine Fibroids) là sự tăng trưởng bất thường các mô cơ tử cung. Kích thước và vị trí của u xơ là khác nhau ở mỗi người, có thể kể đến những vị trí thường gặp như dưới thanh mạc, niêm mạc tử cung, trong lớp cơ tử cung, bên ngoài tử cung,…

Đây là căn bệnh lành tính, phổ biến ở phụ nữ mọi độ tuổi, nhất là phụ nữ trong giai đoạn mang thai hoặc mãn kinh. U xơ có thể phát triển chậm trong nhiều năm hoặc tăng trưởng nhanh chóng trong một thời gian ngắn tùy cơ địa mỗi người.

Xem thêm: Tư vấn sinh nở: 7 cách làm cổ tử cung mở nhanh mẹ cần biết

Dấu hiệu mắc u xơ tử cung

U xơ tử cung thường không gây đau đớn và không có triệu chứng rõ ràng để nhận biết chính xác. Một số chị em phụ nữ phát hiện mình bị u xơ tử cung khi tiến hành khám định kỳ hoặc siêu âm. Tuy nhiên, vẫn có thể dựa trên các dấu hiệu sau để nhận biết sớm căn bệnh này:

  • Rối loạn kinh nguyệt hoặc cường kinh (chảy máu kinh nguyệt nhiều)
  • Đau tức vùng bụng dưới
  • Rối loạn đại tiểu tiện
  • Bị táo bón
  • Đau khi quan hệ
  • Khó mang thai hoặc dễ sảy thai, thậm chí vô sinh.

Khi xuất hiện các triệu chứng trên, đặc biệt là rối loạn kinh nguyệt, chị em nên đi khám và siêu âm để phát hiện ra khối u.

Xem thêm: Đau bụng dưới: Những dấu hiệu bệnh lý và cách điều trị

Nguyên nhân gây bệnh u xơ tử cung

Cho đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây u xơ tử cung. Tuy nhiên, có một số tác nhân sau khiến phụ nữ dễ mắc căn bệnh này hơn:

  • Do nội tiết tố: Việc gia tăng quá mức estrogen và progesterone gây rối loạn nội tiết tố nữ, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của u xơ.
  • Do gen di truyền: Nếu tiền sử gia đình có mẹ hoặc chị gái đã từng bị u xơ tử cung thì nhiều khả năng bạn cũng sẽ mắc phải căn bệnh này.
  • Các yếu tố khác: Có kinh sớm, sử dụng các biện pháp tránh thai, thiếu vitamin D, lạm dụng bia rượu, ăn chế độ dinh dưỡng nhiều thịt đỏ nhưng thiếu rau xanh, hoa quả,… cũng có thể góp phần tăng nguy cơ mắc u xơ tử cung.

Xem thêm: Mang thai ngoài tử cung: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Biến chứng của u xơ tử cung đến sức khỏe phụ nữ

U xơ tử cung tiến triển khá chậm. Trường hợp khối u có kích thước nhỏ sẽ không gây triệu chứng và có thể biến mất khi mãn kinh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời khối u có thể tăng kích thước và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Trong giai đoạn không thai kỳ

Thiếu máu

Thiếu máu vừa là dấu hiệu, vừa là biến chứng của u xơ tử cung. Người mắc bệnh thường sẽ cảm thấy mệt mỏi, không có sức lực để hoạt động, làn da xanh xao, sắc mặt nhợt nhạt hơn bình thường. Nếu không được điều trị kịp thời, thiếu máu kéo dài có thể tiến triển sang giai đoạn mãn tính. Lúc này bệnh nhân sẽ có biểu hiện sút cân, thiếu sức khỏe để lao động.

Trường hợp chảy máu nhiều trong thời kỳ kinh nguyệt hay còn gọi là thiếu máu cấp tính (mất đi một lượng máu lớn trong thời gian ngắn) có thể khiến bệnh nhân thiếu máu lên não, chóng mặt, ngất đi, thậm chi tử vong.

Xem thêm: Thiếu máu sau sinh: Nguyên nhân và cách bổ sung sắt hiệu quả

Khối u có kích thước lớn chèn ép các cơ quan xung quanh

Khi khối u lớn hơn có thể chèn ép các cơ quan xung quanh gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng như:

  • Chèn ép bàng quang gây tiểu khó, tiểu rắt, tiểu tiện nhiều lần trong ngày.
  • Chèn ép niệu quản gây ứ đọng nước tiểu trong bể thận, gây sỏi thận, viêm đài bể thận,…
  • Chèn ép trực tràng dẫn đến các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa như táo bón, đại tiện đau buốt, ra phân rắn.
  • Chèn ép tĩnh mạch làm phù các chi dưới.

Xoắn u xơ tử cung dưới phúc mạc

Biến chứng này sẽ có các biểu hiện như: đau hố chậu phải đột ngột và dữ dội, có thể kèm theo nôn mửa, bí trung đại tiện, choáng váng, ngất do đau. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có diễn tiến nặng hơn thành viêm phúc mạc, thậm chí tử vong.

Nhiễm khuẩn

Biến chứng nhiễm khuẩn có thể xảy ra ngay tại khối u hoặc lan sang các cơ quan lân cận hay toàn bộ cơ thể:

  • Nhiễm khuẩn tại khối u: Lúc này u xơ tử cung có dạng polyp, thò ra phía ngoài tử cung. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện dễ thấy là đau bụng, sốt, cơ thể suy kiệt. Khi thăm khám phụ khoa, bác sĩ có thể quan sát thấy hình ảnh khối nâu sẫm, mềm, hoại tử, xét nghiệm máu sẽ thấy chỉ số bạch cầu tăng.
  • Viêm niêm mạc tử cung: Bệnh nhân có thể đau bụng hạ vị, khí hư có mủ, có mùi hôi.
  • Viêm ống dẫn trứng: Biến chứng này có thể xảy ra ở hai cấp độ cấp tính hoặc mãn tính khiến bệnh nhân sốt, chảy máu âm đạo, đau bụng vùng hố chậu. Một số trường hợp có thể gây chậm có thai.
  • Ung thư hóa: Có một tỷ lệ rất nhỏ phụ nữ mắc phải biến chứng này và thường khó chẩn đoán vì không có biểu hiện đặc trưng. Bệnh nhân có thể sốt, sụt cân, ra máu âm đạo kéo dài, cơ thể hoàn toàn suy kiệt,…

Liên quan đến thai kỳ

Khó có thai, hiếm muộn

Bệnh nhân mắc u xơ tử cung có thể gặp biến chứng hiếm muộn con cái, khó đậu thai. Một số chị em phụ nữ chỉ phát hiện bệnh sau khi đến khám vì không có thai trong một thời gian dài dù không dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào. Từ đây có thể thấy rằng căn bệnh này không dễ để nhận biết vì có quá ít biểu hiện bên ngoài.

Xem thêm: Thủ dâm ở nam và nữ: Những lợi ích và cách tự sướng an toàn

Vô sinh

Phụ nữ bị u xơ tử cung có thể vô sinh do một số tác nhân sau:

  • Chu kỳ kinh không phóng noãn: Đây là chu kỳ kinh nguyệt mà buồng trứng không có nang noãn chín nên không có hiện tượng phóng noãn như các chu kỳ kinh bình thường khác. Vì vậy, dù có quan hệ tình dục không phòng tránh vẫn không thể thụ thai.
  • Cơ thể có nồng độ hormon estrogen quá cao: Tình trạng này sẽ tương đối không thuận lợi cho việc mang thai.
  • Khối u có kích thước lớn: Hiện tượng này sẽ làm rối loạn sự co bóp của cơ trơn tử cung, gây trở ngại trong việc tinh trùng di chuyển đến gặp trứng. Thậm chí khi đã thụ tinh, khối u to có thể cản trở sự di chuyển của hợp tử và khiến hợp tử không bám được vào niêm mạc tử cung để phát triển.
  • Niêm mạc tử cung bất thường: Hợp tử đã được thụ tinh sẽ rất khó bám vào thành tử cung để phát triển khi niêm mạc tử cung không được bình thường.
  • Vị trí khối u: Khối u nằm ở đoạn eo hoặc kẽ tử cung sẽ khiến việc mang thai cực kỳ khó khăn.

Sảy thai

Phụ nữ bị u xơ tử cung sẽ có cơ tử cung kém đàn hồi, gây rối loạn sự co bóp do mất cân bằng nội tiết tố, vì vậy mà có nguy cơ cao bị sảy thai.

Trong thời kỳ mang thai và sau sinh

Phụ nữ mắc u xơ tử cung khi mang thai sẽ gây ra những biến chứng gì là câu hỏi được rất nhiều chị em quan tâm. Theo bác sĩ Tâm, tùy vào mỗi giai đoạn mà u xơ tử cung sẽ kéo theo các biến chứng sau:

  • Trong thai kỳ khối u sẽ làm hạn chế sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra còn làm tăng khả năng sinh mổ ở mẹ do tình trạng bất thường của khoang tử cung khiến thai nhi có thể không xoay được về ngôi thuận để sinh thường.
  • Trong thai kỳ còn có thể xảy ra hiện tượng rau bong non. Do bị chặn bởi u xơ mà rau thai vỡ ra khỏi thành tử cung có thể gây thiếu oxy cho thai, nguy hiểm đến tính mạng của thai nhi.
  • Trong thời kỳ chuyển dạ, khối u gây rối loạn cho sự co bóp của cơ trơn tử cung, có thể tiến triển thành u tiền đạo cản trở đường ra của thai nhi, gây khó khăn trong việc chuyển dạ.
  • Trong giai đoạn sổ rau, biến chứng niêm mạc tử cung bất thường có thể dẫn đến sau khi sổ rau, bệnh nhân có thể bị sót rau, chảy máu tử cung, hoặc tử cung không co chặt thành khối an toàn sau sổ rau.

Xem thêm: Rau tiền đạo (nhau tiền đạo): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Điều trị u xơ tử cung

Không phải trường hợp nào cũng cần điều trị u xơ tử cung. Như đã đề cập ở phần trên, trường hợp kích thước khối u nhỏ, không gây ra triệu chứng hay biến chứng nào thì không cần phải can thiệp, khối u có thể biến mất khi đến kỳ mãn kinh. Phụ nữ mắc bệnh chỉ điều trị khi có các biểu hiện sau:

  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, lượng máu ra nhiều gây ra biến chứng thiếu máu mạn tính.
  • Giữa các chu kỳ kinh, người bệnh chảy máu bất thường.
  • Khối u phát triển nhanh và gia tăng kích thước.
  • Bắt đầu xuất hiện các biến chứng như đã nêu ở trên.

Điều trị nội khoa bằng thuốc

Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị triệu chứng như giảm lượng máu chảy và giảm cảm giác đau do u xơ gây ra. Bác sĩ sẽ thường dùng thuốc ngừa thai và các phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố khác nhằm ngăn chặn chu kỳ kinh nguyệt và thu nhỏ kích thước của khối u. Ngoài ra các thuốc này còn được dùng trước phẫu thuật để giảm nguy cơ chảy máu.

Tuy nhiên, điều trị bằng thuốc chỉ là phương pháp tạm thời và bệnh nhân phải uống thường xuyên. Việc này có thể gây ra các tác dụng phụ như giọng nói biến đổi trở trên ồm và trầm đi, lông mọc nhiều hơn. Khi ngừng thuốc, các triệu chứng sẽ quay trở lại và khối u sẽ to lại như lúc ban đầu. Vì vậy, điều trị nội khoa bằng thuốc chỉ là biện pháp tạm thời để chờ các phương pháp khác.

Điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật

Thực hiện phẫu thuật u xơ tử cung có thể được chỉ định trong trường hợp khối u có kích thước lớn và gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Các phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến hiện nay bao gồm:

Phẫu thuật bóc tách u xơ

Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp bóc tách u xơ khác nhau như phẫu thuật nội soi buồng tử cung bóc u xơ, phẫu thuật nội soi ổ bụng bóc u xơ, phẫu thuật mổ mở bóc u xơ. Tuy nhiên, về sau bệnh vẫn có khả năng tái phát vì cơ tử cung vẫn còn.

Phẫu thuật cắt một phần tử cung hoặc toàn bộ tử cung

Đây là phương pháp điều trị triệt để khối u trong trường hợp bệnh nhân không còn sinh đẻ, ngăn ngừa ung thư hay biến chứng u xơ bị ung thư hóa. Mặc dù phẫu thuật cắt tử cung thì bệnh sẽ không bao giờ tái phát nhưng chất lượng cuộc sống có thể bị ảnh hưởng rất nhiều nếu trường hợp người phụ nữ vẫn muốn có con.

Điều trị bảo tồn không cần phải phẫu thuật

Điều trị bảo tồn là giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những nhược điểm của việc dùng thuốc hay phẫu thuật. Phương pháp này sẽ giữ lại tử cung, giảm các triệu chứng và hạn chế khối u phát triển. Vì buồng tử cung được giữ nên người bệnh vẫn có kinh nguyệt hằng tháng, vẫn có thể mang thai nhưng lại không phải chịu những tác động tiêu cực từ việc phẫu thuật. Hiện nay, có hai phương pháp điều trị bảo tồn sau:

Đốt sóng cao tần

Đây là phương pháp điều trị bằng sóng siêu âm tần số cao Hifu, làm nóng khối u để giết chết các tế bào trong nó. Mặc dù sở hữu những ưu điểm vượt trội được nêu ở trên nhưng đốt sóng cao tần có những hạn chế. Khi khối u nằm sát vùng cụt hay bàng quang thì không thể dùng phương pháp này vì có thể ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận.

Ngoài ra, khi đưa sóng âm vào phần viền chu vi của khối u vẫn phát triển. Tuy bên trong bị hoại tử nhưng bên ngoài vẫn phát triển vì đốt sóng cao tần không bao bọc được khối u. Còn nếu làm rộng ra ngoài thì sẽ làm tổn thương thêm cơ tử cung.

Phương pháp nút mạch

Điều trị nút mạch được áp dụng tại Việt Nam từ những năm 2000 và hiệu quả chữa trị đã được công nhận. Đây là phương pháp xâm nhập tối thiểu, chỉ cần chọc vào đùi hoặc vùng cổ tay của bệnh nhân 1 lỗ nhỏ khoảng 2mm. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành luồn ống thông vào trong khối u để tiêm chất làm tắc mạch. Lúc này khối u sẽ teo nhỏ đi và không phát triển nữa.

Ưu điểm của điều trị nút mạch là tỷ lệ thành công lên đến 95%. Tử cung được giữ nguyên vẹn nên nhiều phụ nữ muốn có con vẫn có thể mang thai trở lại. Ngoài ra, phương pháp này chỉ gây tê tại chỗ nên khả năng phục hồi nhanh, chỉ sau 3 ngày là có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể cảm thấy đau. Lúc này bác sĩ sẽ dùng thuốc giảm đau hoặc phong bế rễ thần kinh để giảm cơn đau cho người bệnh. Thời gian đau có thể kéo dài từ 6 – 12 tiếng và mức độ đau sẽ tùy vào cơ địa của mỗi người. Một số trường hợp có thể ra máu đường âm đạo, kéo dài từ 3 – 5 ngày hoặc hơn nếu khối u quá to.

Chỉ có rất ít trường hợp phải phẫu thuật lại sau khi điều trị nút mạch do nhiễm trùng hay chảy máu. Tốt nhất là sau điều trị bệnh nhân nên đi khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để xem kích thước khối u và triệu chứng lâm sàng đã giảm hết chưa.

Phòng ngừa u xơ tử cung

Chưa có phương pháp phòng tránh u xơ tử cung một cách triệt để. Tuy nhiên, một có thói quen sau trong chế độ sinh hoạt có thể góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh này:

  • Duy trì chế độ ăn uống nhiều rau xanh, trái cây: Các loại trái cây tươi và rau xanh, đặc biệt là rau họ cải như cải bắp, bông cải xanh, súp lơ,… thường rất giàu beta – carotene, folat, vitamin C, E cùng các khoáng chất khác có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh u xơ tử cung.
  • Tập thể dục thường xuyên: Nâng cao sức đề kháng bằng cách tập luyện thể dục hoặc chơi một bộ môn thể thao nào đó là cách hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh u xơ tử cung.
  • Khám phụ khoa định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ là một việc nên làm ở phụ nữ, nhất là phụ nữ đã quan hệ, đã mang thai, lớn tuổi hoặc sắp đến giai đoạn mãn kinh. Triệu chứng của u xơ tử cung không dễ nhận biết, vì vậy việc khám phụ khoa định kỳ sẽ giúp phát hiện bệnh sớm hơn để có cách điều trị phù hợp.

Xem thêm: Rau càng cua: Thông tin dinh dưỡng và sử dụng chi tiết

Một vài câu hỏi liên quan

Mắc u xơ tử cung có khả năng mang thai hay không?

Mắc bệnh u xơ tử cung có mang thai được không là nỗi băn khoăn của rất nhiều chị em phụ nữ. Xin bật mí cho các mẹ yên tâm, người mắc bệnh này vẫn có thể mang thai:

  • Trong trường hợp u xơ có kích thước nhỏ dưới 50mm và không có triệu chứng hay biến chứng gì thì người bệnh vẫn có thể mang thai bình thường. Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời xử lý khi xuất hiện các biểu hiện bất thường.
  • Trường hợp khối u lớn hơn cần phải điều trị thì khả năng người bệnh có thể mang thai vẫn rất cao, như khi áp dụng phương pháp bóc tách u xơ hay phương pháp nút mạch. Tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp, an toàn và tối ưu nhất cho bệnh nhân của mình.

U xơ tử cung có biến chứng sang ung thư không?

U xơ tử cung có khả năng phát triển âm thầm, tăng kích thước và gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, khả năng u xơ tử cung chuyển thành ung thư cổ tử cung rất hiếm khi xảy ra. Vì các u xơ được xem là u lành tính nên không thể phát triển thành u ác tính.

U xơ tử cung nên ăn và không nên ăn gì trong chế độ dinh dưỡng?

Thực phẩm nên ăn

Chế độ ăn uống cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh u xơ tử cung. Khi đó, bệnh nhân cần chú ý bổ sung các thực phẩm sau:

  • Các loại trái cây và rau xanh: Bổ sung nhiều hơn một số loại trái cây có màu cam, chứa nhiều vitamin A và các loại rau xanh như: bông cải xanh, cải thìa, rau bina, atiso, bí đỏ,…
  • Các loại thịt trắng: Thịt gà, thịt gia cầm nói chung nên được bổ sung trong thực đơn hằng ngày của người mắc bệnh u xơ tử cung.
  • : Cá thu, cá ngừ, cá hồi,… mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như giảm nồng độ estrogen, làm dịu các tổn thương sưng tấy của mô, giảm phản ứng viêm,…
  • Ngũ cốc: Ngũ cốc chưa qua chế biến, ngũ cốc nguyên hạt giúp cân bằng lượng hormone đẩy lùi bệnh hiệu quả.
  • Trà xanh: Trà xanh có tác dụng làm giảm sự tăng trưởng của u xơ tử cung và cải thiện các triệu chứng của bệnh. Hạn chế sử dụng trà xanh vào buổi tối để tránh tình trạng mất ngủ.

Xem thêm: Kiêng cữ khi mang thai và những điều mẹ bầu cần lưu ý

Thực phẩm cần tránh

Bên cạnh đó, người bệnh và gia đình cũng nên lưu ý u xơ tử cung không nên ăn gì để tránh bệnh trở nên trầm trọng hơn:

  • Thịt đỏ: Các loại thịt như thịt bò, thịt trâu,… cần được hạn chế trong bữa ăn của người bệnh vì có thể làm tăng mức estrogen, kích thích khối u xơ phát triển, gây đau bụng, chảy máu tử cung hoặc gây ra các cơn co thắt khiến bệnh nặng hơn.
  • Thức uống từ cà phê, nước tăng lực, soda,… có chứa caffeine: U xơ tử cung ăn kiêng gì thì không thể thiếu nhóm thực phẩm này vì có thể thúc đẩy sự phát triển của các khối u.
  • Chế phẩm từ sữa: Phô mai, bơ, sữa nguyên kem,… có thể làm gia tăng kích thước của khối u.
  • Thực phẩm có hàm lượng muối cao: Tránh sử dụng và chế biến món ăn chứa hàm lượng muối cao vì nó sẽ không tốt cho việc điều trị bệnh u xơ tử cung.
  • Đường: Thực phẩm có nhiều đường nên được kiêng cữ vì có thể làm trầm trọng bệnh hơn.

Trên đây là những thông tin về biến chứng và phương pháp điều trị u xơ tử cung hiệu quả, mong rằng sẽ thật hữu ích cho bạn. Mặc dù là u xơ lành tính nhưng người bệnh không được chủ quan, vẫn nên điều trị kịp thời kết hợp với chế độ ăn uống khoa học để điều trị dứt điểm căn bệnh này nhé.

Tham khảo thêm

  • Ung thư vú: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng tránh
  • Chậm kinh bao lâu thì có thai? Có thể bạn chưa biết
  • Chậm kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai phải làm sao?
  • Ăn gì để tránh thai sau khi quan hệ? Tư vấn từ chuyên gia
  • Cách quan hệ tránh thai: Vì sao và các biện pháp hiệu quả
Bác sĩ Đặng Thanh Tâm
Bác sĩ Đặng Thanh Tâm
ThS – Bác sĩ Đặng Thanh Tâm hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh Viện Đa Khoa Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên năm 2017, nhận bằng thạc sĩ sản nhi năm 2019 tại Đại học Y Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, bác sĩ Đặng Thanh Tâm quyết định tham gia làm bác sĩ cố vấn cho iPREG. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.

Related Posts

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

spot_img

Recent Stories