Trẻ bị viêm amidan là bệnh thường gặp ở lứa tuổi này. Dù đã được điều trị nhưng vẫn có thể tái phát nhiều lần, thậm chí gây ra nhiều biến chứng nguy hại cho sức khỏe. Rất nhiều bố mẹ thắc mắc cắt amidan cho trẻ thì bệnh có dứt hẳn hay không? Hãy cùng iPREG đi tìm câu trả lời ngay trong bài viết sau đây.
Chịu trách nhiệm nội dung: Dr. Đặng Thanh Tâm
ThS – Bác sĩ Đặng Thanh Tâm hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh Viện Đa Khoa Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên năm 2017, nhận bằng thạc sĩ sản nhi năm 2019 tại Đại học Y Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, bác sĩ Đặng Thanh Tâm quyết định tham gia làm bác sĩ cố vấn cho iPREG. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.
Xem thêm: Trẻ bị viêm phổi: Dấu hiệu, cách chăm sóc hiệu quả tại nhà
Viêm amidan ở trẻ có những cấp độ nào?
Amidan nằm bên trong vòm họng gồm có 4 loại là: amidan vòm, amidan vòi, amidan khẩu cái và amidan lưỡi. Vai trò của amidan đối với sức khỏe con người là vô cùng quan trọng. Thông qua hoạt động miễn dịch tại chỗ, amidan bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, virus. Ngoài ra, amidan còn chống lại sự nhiễm trùng bằng cách tiết ra các kháng thể tự nhiên.
Tuy nhiên, khi virus, vi khuẩn tấn công ồ ạt vào cơ thể với số lượng vượt mức cho phép, amidan không thể kịp thời ngăn chặn gây ra hiện tượng viêm và sưng. Nếu bệnh tái phát nhiều lần, khả năng ngăn chặn vi khuẩn, virus của amidan cũng sẽ yếu đi, tạo điều kiện cho viêm nhiễm vùng họng khởi phát.
Hiện nay, viêm amidan có 2 cấp độ chính là:
Viêm amidan cấp tính
Do virus hoặc vi khuẩn tấn công vào cơ thể khiến amidan sưng đỏ, gây đau rát ở vùng họng. Sau khi điều trị, nguy cơ bệnh tái phát không cao.
Viêm amidan mãn tính
Do virus, vi khuẩn tích tụ khiến hố amidan không lưu thông được tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Trường hợp này amidan bị tổn thương nghiêm trọng, thường tái phát nhiều lần. Viêm amidan mạn tính còn được chia làm hai dạng nhỏ:
- Thể viêm quá phát: Amidan phát triển to lên là dạng thường gặp ở trẻ em.
- Thể viêm xơ teo: Amidan sẽ nhỏ lại.
Xem thêm: Viêm tai giữa ở trẻ: Dấu hiệu và cách chữa hiệu quả
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm amidan
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm amidan thường rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác như: trẻ bị viêm họng, viêm mũi,… Vì vậy, bố mẹ cần quan sát kỹ các biểu hiện của trẻ, ngay khi phát hiện các triệu chứng sau thì nên đưa con đến bác sĩ để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm amidan cấp tính
- Có biểu hiện sốt đột ngột, sốt cao lên đến 39°C kèm theo dấu hiệu rét run
- Lờ đờ, mệt mỏi, biếng ăn hoặc bỏ bú
- Ít đi tiểu, nước tiểu có màu đậm hơn bình thường hoặc bị táo bón
- Họng bị đau rát, khi ho hoặc nuốt cảm giác đau nhiều hơn
- Có thể kèm theo triệu chứng viêm mũi, chảy nước mũi nhiều, ngủ ngáy, thở khò khè
- Amidan sưng đỏ, một số trường hợp có mủ trắng khiến hơi thở rất hôi
Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị táo bón: Những dấu hiệu và cách chữa hiệu quả
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm amidan mãn tính
- Có thể không có triệu chứng sốt hoặc sốt nhẹ, đặc biệt hay sốt về chiều và không kèm theo cảm giác ớn lạnh
- Cơ thể trẻ gầy yếu, da dẻ xanh xao
- Đau rát ở họng, khi nuốt cảm giác vướng ở cổ họng
- Ho khan, ho từng cơn, thường là vào buổi sáng
- Có thể thay đổi giọng nói
- Dù đã vệ sinh răng miệng nhưng hơi thở vẫn có mùi hôi
Xem thêm: Cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhanh chóng, an toàn
Nguyên nhân gây viêm amidan ở trẻ
Trẻ em là đối tượng dễ bị viêm amidan nhất, tại vì sao? Nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động miễn dịch tại chỗ của amidan mạnh nhất ở những trẻ trong độ tuổi từ 4 – 10 tuổi, sau đó sẽ giảm rõ rệt. Trường hợp viêm amidan tái phát nhiều lần cũng sẽ giảm dần khi trẻ trên 10 tuổi.
Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể khiến trẻ mắc căn bệnh này là gì? Hãy cùng điểm qua một số tác nhân chính sau đây nhé.
Viêm nhiễm
Thời tiết thay đổi đột ngột hoặc chuyển mùa khiến các loại virus, vi khuẩn có sẵn trong mũi họng hoặc sau khi xuất hiện các bệnh như: cúm, sởi,… sẽ có cơ hội để sinh sôi và gây bệnh.
Cấu trúc amidan
Amidan có cấu trúc khe hốc, lại ở vị trí giao giữa đường thở và đường ăn nên rất dễ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh. Đồng thời cũng là nơi virus, vi khuẩn dễ trú ngụ, chờ điều kiện để phát triển gây bệnh.
Tạng bạch huyết
Đối với một số trẻ có hạc ở vùng cổ họng cùng với các tổ chức bạch huyết xung quanh cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị viêm amidan.
Vệ sinh răng miệng sai cách
Trẻ vệ sinh răng miệng không đúng cách, thiếu khoa học, đặc biệt là sau mỗi buổi ăn có thể là điều kiện để virus phát triển, gây viêm amidan.
Xem thêm: Trẻ mọc răng: Từ tháng thứ mấy, có những dấu hiệu gì?
Môi trường ô nhiễm
Môi trường xung quanh quá ô nhiễm, có nhiều khói bụi, chất độc hại, hóa chất,… cũng có thể là tác nhân khiến trẻ dễ mắc viêm amidan.
Viêm amidan ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thế nào?
Viêm amidan thực ra là bệnh khá đơn giản và dễ chữa nhưng trường hợp bệnh tái phát nhiều lần hoặc viêm quá lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Về lâu dài, bệnh có thể chuyển biến gây nhiều biến chứng như:
- Áp xe quanh amidan: Trường hợp trẻ bị viêm thường xuyên có thể dẫn đến áp xe quanh amidan. Biến chứng này khiến trẻ khó nuốt, sưng họng, nói không thành tiếng, sốt cao, chảy nước dãi,…
- Áp xe cạnh họng, nhiễm trùng vùng sau họng: Đây là hiện tượng vùng khoảng trống giữa thành sau họng miệng với cân trước sống bị viêm nhiễm. Biến chứng này được xem khá nghiêm trọng, mặc dù hiếm gặp nhưng nguy cơ gây tử vong khá cao.
- Viêm khớp: Các khớp cổ tay, đầu gối, ngón tay, ngón chân bị sưng đỏ và đau khiến người mệt mỏi, uể oải.
- Viêm cầu thận: Biến chứng viêm cầu thận có thể chuyển biến thành viêm thận cấp rất đáng lo ngại. Người bệnh có hiện tượng phù chân, phù mặt nhất là sau khi ngủ dậy.
- Viêm cơ tim: Đây là tình trạng viêm lớp cơ dày của thành tim, khiến thành tim bị tổn thương và hoại tử. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như: nhức đầu, sốt cao, nôn mửa, phát ban,…
- Tắc đường thở: Khi amidan bị viêm quá lớn có thể bít tắc đường thở, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của trẻ. Khi đó trẻ sẽ rất khó thở, ngủ ngáy, thậm chí ngừng thở trong lúc ngủ. Tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như: tim, não bộ,…
Xem thêm: Sốt phát ban ở trẻ: Nguyên nhân và cách điều trị tại nhà
Cách điều trị các dạng viêm amidan ở trẻ
Tùy vào loại viêm amidan và tình hình sức khỏe của trẻ mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp nhất. Nhưng thông thường:
Đối với viêm amidan cấp tính
Điều trị triệu chứng bằng cách cho dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, thuốc làm lỏng chất nhầy, giảm ho.
Sử dụng các biện pháp để nâng cao thể trạng. Vệ sinh mũi miệng bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn. Để trẻ nghỉ ngơi, ăn thức ăn giàu dinh dưỡng dễ tiêu hóa, uống nước đầy đủ. Các biện pháp này cần có sự hỗ trợ từ bố mẹ.
Sử dụng thuốc kháng sinh có hoạt phổ rộng trong trường hợp nghi ngờ trẻ bị nhiễm khuẩn hoặc có nguy cơ bị biến chứng.
Đối với viêm amidan mãn tính
Điều trị triệu chứng với một số loại thuốc kháng viêm và thuốc giảm đau hạ sốt, giảm ho, long đờm,… Phẫu thuật cắt amidan là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào trẻ bị viêm amidan mạn tính cũng sẽ phẫu thuật, cần có chỉ định của bác sĩ.
Khi nào trẻ bị viêm amidan cần cắt?
Như đã đề cập ở phần trên, trẻ mắc bệnh chỉ cắt amidan khi bác sĩ có chỉ định trong một số trường hợp trẻ bị viêm amidan mãn tính, cụ thể như sau:
- Trẻ bị viêm amidan mãn tính từ 5 – 6 lần trong một năm.
- Viêm amidan ở trẻ đã gây ra các biến chứng như viêm mũi, viêm xoang, viêm cầu thận, viêm khớp,…
- Khi viêm amidan trở nên quá phát gây khó thở, khó nuốt, thậm chí việc nói cũng trở nên cực kỳ khó khăn.
Phương pháp phẫu thuật được áp dụng chủ yếu là phẫu thuật dưới gây mê nội khí quản (phương pháp Anse) hoặc trực tiếp bằng dao điện đơn cực hay lưỡng cực, bằng Laser, Coblator, dao siêu âm,….
Cắt amidan có thể gây các biến chứng tử vong do một số nguyên nhân như: gây mê, cắt không đúng kỹ thuật, bệnh nhân có rối loạn máu đông,… Vì vậy, trước khi phẫu thuật trẻ sẽ được xét nghiệm rất kỹ về sức khỏe cũng như các chức năng gan thận, đông máu.
Những lưu ý trước và sau phẫu thuật cắt amidan ở trẻ
Để cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, bố mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Trước phẫu thuật: Cung cấp đầy đủ thông tin về tiền sử dị ứng, chứng rối loạn máu đông và thuốc mà trẻ đang sử dụng. Trong vòng 6 giờ trước phẫu thuật, không được cho trẻ ăn, nhai kẹo, uống sữa,…
- Sau khi phẫu thuật: Cho trẻ nghỉ học khoảng 2 tuần sau khi cắt amidan. Dùng các loại thuốc giảm đau theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, nhạt, nguội và dễ tiêu hóa. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước sau khi phẫu thuật.
Bệnh có tái phát sau khi trẻ cắt amidan?
Cắt amidan bệnh có tái phát hay không là câu hỏi được rất nhiều bố mẹ quan tâm. Thông thường, khi đã cắt amidan hoàn toàn thì bệnh không có khả năng tái phát. Tuy nhiên, trẻ vẫn có khả năng mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp khác như: viêm mũi, viêm họng với các biểu hiện tương tự.
Một số trường hợp trẻ bị viêm amidan trở lại có thể là do chưa cắt hết nên tổ chức amidan còn sót lại. Nếu trẻ bị viêm nhiều có thể tái khám để cắt hoàn toàn. Nếu chỉ là hiện tượng viêm mạn tính ở tổ chức quanh amidan thì có thể không cần phẫu thuật, mà chỉ cần uống thuốc kháng sinh và chống viêm theo chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm: Trẻ sơ sinh thở khò khè: Nguyên nhân và cách điều trị
Cách phòng ngừa trẻ bị viêm amidan
Viêm amidan ở trẻ là bệnh thường gặp nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu bố mẹ ghi nhớ những biện pháp sau:
- Cho trẻ giữ vệ sinh răng miệng, mũi họng tốt hằng ngày bằng cách đánh răng, súc miệng với nước muối, nước diệt khuẩn để tránh các viêm nhiễm.
- Hạn chế cho trẻ uống nước lạnh, nước đá, ăn kem, đặc biệt là vào những ngày trời lạnh.
- Nếu trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản,… thì cần điều trị dứt điểm.
- Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra đường hoặc tiếp xúc nơi đông người để tránh hít phải khói, bụi, mầm bệnh gây bệnh.
- Cho trẻ nâng cao sức đề kháng qua việc rèn luyện thân thể, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Hiện nay, với công nghệ hiện đại và tân tiến, việc cắt amidan cho trẻ tương đối an toàn, phục hồi nhanh và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, để trẻ phát triển khỏe mạnh và tránh tỷ lệ gặp các biến chứng nguy hiểm thì tốt nhất bố mẹ vẫn nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa trẻ bị viêm amidan đúng cách và thường xuyên nhé.
Mẹ có thể tham khảo
- Vitamin D cho trẻ sơ sinh: Cách bổ sung an toàn từ chuyên gia
- Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy: Dấu hiệu, mẹ nên ăn gì?
- Trẻ sơ sinh bị sôi bụng: Có sao không? Cách xử lý hiệu quả
- Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Dấu hiệu và cách chữa hiệu quả
- Bệnh tay chân miệng ở trẻ: Cách chăm sóc hiệu quả tại nhà