Trẻ bị ho do nhiều nguyên nhân. Mẹ hãy cùng iPREG tìm hiểu chi tiết cách điều trị, các loại thuốc ho cho trẻ…
Trẻ bị ho, hắt hơi, sổ mũi là những triệu chứng bệnh đường hô hấp rất thường gặp. Nguyên nhân khiến trẻ bị ho bắt nguồn từ rất nhiều yếu tố, một trong số đó là do hệ miễn dịch của bé còn non yếu. Khi gặp các tác động xấu từ môi trường, lá chắn phòng vệ của trẻ dễ bị phá vỡ, khiến bé thường xuyên bị ốm.
Có con là điều quý giá, chăm con lớn từng ngày lại càng vất vả hơn. Hiểu được vấn đề này, bác sĩ Đặng Thanh Tâm của iPREG sẽ giúp mẹ tìm hiểu chi tiết: Nguyên nhân trẻ bị ho, cách điều trị, phòng tránh và giới thiệu tới mẹ những loại thuốc ho được nhiều phụ huynh tin dùng. Cùng tham khảo trong bài viết hôm nay của chúng tôi.
Khuyến cáo
Ho là một bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Có 2 cấp độ ho chính, mẹ hãy dựa vào các cấp độ này để có phương pháp điều trị cho con hợp lý. Trong mọi trường hợp, vui lòng tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi cho con sử dụng thuốc.
Dr. Đặng Thanh Tâm – Tư vấn sức khỏe sau sinh.
Chịu trách nhiệm nội dung: Dr. Đặng Thanh Tâm
ThS – Bác sĩ Đặng Thanh Tâm hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh Viện Đa Khoa Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên năm 2017, nhận bằng thạc sĩ sản nhi năm 2019 tại Đại học Y Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, bác sĩ Đặng Thanh Tâm quyết định tham gia làm bác sĩ cố vấn cho iPREG. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.
Xem thêm: Sốt phát ban ở trẻ: Nguyên nhân và cách điều trị tại nhà
Các nguyên nhân khiến trẻ bị ho
Nguyên nhân khiến trẻ bị ho là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định có nên dùng thuốc ho cho trẻ sơ sinh hay không? Ho được hiểu là biểu hiện của cơ thể phản ứng lại các yếu tố tác động từ bên ngoài. Nếu hiểu đúng, ho không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng thể hiện bệnh nào đó (viêm phổi, viêm họng,…).
Hệ miễn dịch của bé còn yếu nên virus, vi khuẩn rất dễ xâm nhập gây tổn hại đến cơ thể trẻ. Từ đó, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ho như:
- Trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi,… Ho khan, ho có đờm xuất hiện như một triệu chứng của các bệnh trên.
- Trẻ ho do bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể do bé ăn quá no.
- Trẻ ho do dị ứng thời tiết, khói bụi, phấn hoa,…
- Trẻ ho do các tác nhân vật lý, hóa học như hít phải khói thuốc lá, tiếp xúc với gió, độ ẩm trong không khí,…
Xem thêm: Lê hấp đường phèn: Bài thuốc trị ho đơn giản mà hiệu quả
Các mức độ ho của trẻ nhỏ
Không phải mức độ ho nào của bé cũng đều sử dụng thuốc ho cho trẻ sơ sinh. Như đã nói ở phần trên có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ho, điều này đã tạo ra nhiều cấp độ ho cho trẻ từ nhẹ tới nặng.
Mức độ nhẹ: Ho được coi là một triệu chứng tốt cho cơ thể
- Trường hợp này, ho có thể là phản xạ bảo vệ cơ thể, là phản ứng có lợi hỗ trợ làm sạch đường hô hấp, đẩy sạch đờm, dị vật, siêu vi ra ngoài và phòng ngừa viêm phổi (nhiều mẹ vẫn hiểu sai ho nhiều có thể làm trẻ bị viêm phổi).
- Nếu trẻ ho mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt hay giấc ngủ thì cứ để trẻ ho tự nhiên, đây là phản xạ thông thường, bố mẹ có thể yên tâm.
- Khi trẻ ho vì bệnh thì không phải trường hợp nào cũng nghiêm trọng. Ví dụ: trong một đợt cảm lạnh, bé sẽ thường ho cho đến khi hết bệnh, ban đầu ho ít, ho khan sau đó sẽ ho rất dữ dội vào khoảng ngày thứ 5-6, đây là lúc bé sắp dứt cơn ho và dần khỏi bệnh nên bố mẹ không cần quá lo lắng. Bệnh cần điều trị là cảm lạnh không phải ho, nên nếu ức chế cơn ho bằng thuốc ho có thể khiến tình trạng xấu đi.
Mức độ nặng hơn: Ho là triệu chứng của các bệnh lý nguy hiểm
- Trẻ ho liên tục, không ngớt, ho ra máu ảnh hưởng đến sinh hoạt và nghỉ ngơi. Một số biểu hiện ho đáng chú ý ở mức độ này là trẻ khó thở hơn khi bú, gắng sức để thở nhanh hơn bình thường dẫn đến tím tái ở mặt và miệng.
- Trẻ ho kèm sốt cao trên 38,5 độ C, trẻ không chịu bú hoặc không thể bú, trẻ khó chịu, cáu kỉnh liên tục, khò khè khi thở, mệt mỏi, không thể ngủ.
- Khi quan sát trẻ có những biểu hiện này cần ngay lập tức đưa trẻ đến bác sĩ để chẩn đoán bệnh và chữa trị kịp thời. Việc có dùng thuốc ho cho trẻ hay không còn tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm: Cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhanh chóng, an toàn
Trường hợp nào dùng thuốc ho cho trẻ sơ sinh?
Ho do dị ứng thời tiết, độ ẩm, khói thuốc,… không ảnh hưởng đến sinh hoạt của bé thì không cần dùng thuốc.
Ho là một biểu hiện của bệnh thì thông thường các bác sĩ sẽ tập trung điều trị nguyên nhân gây bệnh, khi bệnh thuyên giảm triệu chứng ho cũng sẽ mất đi. Dùng thuốc ho cho trẻ trong trường hợp này có thể chỉ làm giảm triệu chứng ho nhưng vẫn không hết bệnh, gây nguy cơ mắc các bệnh khác.
Để xác định khi nào dùng thuốc ho cho trẻ, bố mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để chẩn đoán và kê đơn thuốc. Việc tự ý dùng thuốc ho vì bất cứ lý do gì đều có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ, khiến tình trạng bệnh tệ hơn.
Xem thêm: Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Dấu hiệu và cách chữa hiệu quả
Cách chữa ho không dùng thuốc
Với trẻ mắc các bệnh đường hô hấp kèm ho, bố mẹ có thể tham khảo một số cách chữa ho không dùng thuốc ho cho trẻ sơ sinh sau:
Cho trẻ uống nhiều nước
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nên cho bé bú sữa mẹ nhiều lần. Còn với trẻ trên 6 tháng tuổi có thể cho trẻ uống nhiều nước, sữa mẹ, sữa công thức, nước trái cây,… Bổ sung nước có thể giúp giảm chất nhầy ở mũi giúp trẻ sẽ đỡ khó thở và ho cũng dễ dàng hơn.
Sử dụng dụng cụ hút mũi cho bé
Đối với trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể sử dụng dụng cụ hút mũi. Cách này có thể giúp giảm chất nhầy trong mũi, giảm sưng đường hô hấp và giúp trẻ ho dễ hơn,dễ tống đờm ra hơn. Khi trẻ lớn hơn có thể nhỏ nước muối sinh lý vào mũi trẻ, công dụng tương tự.
Thay đổi tư thế nằm cho bé
Nâng cao đầu khi nằm sẽ giúp thở dễ dàng hơn và triệu chứng ho cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý là cần phải thay đổi tư thế ngủ cho bé thường xuyên. Đốt sống cổ của bé còn rất mềm, dễ bị sai lệch nếu gối quá cao trong thời gian dài.
Sử dụng máy làm ẩm không khí, máy khí rung
Cách này sẽ tạo không khí ẩm xung quanh chỗ bé nằm, giúp bé dễ thở hơn và giảm kích ứng gây ho. Ngoài ra, khi trẻ bị ho do cảm cúm, mẹ có thể cho bé sử dụng máy khí rung.
Nước muối biển đặc biệt tốt trong việc điều trị ho, cảm cúm cho trẻ. Ngoài cách hút rửa mũi, máy khí rung là phương pháp thông tắc, điều trị bệnh rất hiệu quả.
Sử dụng các bài thuốc ho dân gian
Dùng một lượng nhỏ mật ong có thể làm dịu họng và giảm ho hiệu quả. Nếu có thời gian, bố mẹ có thể làm hẹ hấp mật ong hoặc các phương pháp dân gian khác như cam muối hấp cách thủy…Tuy nhiên, không nên dùng các biện pháp này cho trẻ dưới 1 tuổi.
Xem thêm: Mách mẹ: Các bài thuốc dân gian cho trẻ hiệu quả nhất
Các thuốc ho cho trẻ sơ sinh được nhiều người sử dụng
Siro ho Prospan
Prospan siro là thuốc ho cho trẻ sơ sinh có tác dụng tiêu nhầy, giảm co thắt, giảm các cơn ho. Thuốc được dùng trong viêm đường hô hấp cấp kèm ho hoặc điều trị triệu chứng trong các bệnh lý viêm phế quản mạn tính.
Thành phần thuốc Prospan dạng siro bao gồm cao khô lá thường xuân chiết bằng ethanol 30% theo tỷ lệ (5 – 7,5)/1. Siro 700mg cao khô/100ml. Liều dùng đối với trẻ nhỏ là từ 2,5ml đến 5ml một lần, dùng 3 lần mỗi ngày.
Một số lưu ý khi dùng dùng thuốc
- Tùy vào mức độ của triệu chứng nhưng phải dùng ít nhất một tuần, sau khi dứt các triệu chứng bệnh vẫn nên dùng 2 – 3 ngày.
- Thuốc ho cho trẻ sơ sinh prospan chống chỉ định với những trường hợp bất dung nạp fructose.
Prospan siro có thể được dùng là thuốc ho cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi. Tuy nhiên, vẫn nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc ho Acetylcystein
Acetylcystein là thuốc được dùng phổ biến để điều trị ho có đờm, dùng được cho cả người lớn và trẻ sơ sinh.Thuốc được dùng trong trường hợp giúp tiêu đờm nhầy trong một số bệnh liên quan đến đường hô hấp. Ngoài ra còn được dùng làm thuốc giải độc khi quá liều paracetamol hoặc giảm độc tính trên thận của các thuốc cản quang.
Các dạng bào chế của thuốc: Viên nén 200mg, gói thuốc bột 100mg, 200mg, dung dịch hít qua miệng, thuốc nhỏ vào khí quản và thuốc uống 100mg/mL, dung dịch tiêm đậm đặc 200mg/mL để pha dịch truyền.
Liều dùng khuyến nghị cho trẻ:
- Trẻ dưới 2 tuổi dùng 30mg/lần, dùng 2 – 3 lần/ngày.
- Trẻ từ 2 – 7 tuổi dùng 50mg/lần, dùng 2 – 4 lần/ngày.
Tác dụng phụ của thuốc: buồn nôn, đỏ bừng mặt, tim đập nhanh (thường gặp), buồn ngủ, nhức đầu, ù tai, phát ban, suy hô hấp, sốc phản vệ toàn thân, sốt,…(hiếm gặp).
Lưu ý
Khi dùng thuốc ho cho trẻ sơ sinh Acetylcystein cho bé dưới 2 tháng tuổi cần hết sức thận trọng vì trẻ giai đoạn này khó khạc ra đờm một cách chủ động, có nhiều khả năng gặp các vấn đề không mong muốn, đặc biệt có nguy cơ suy hô hấp nên đa số thuốc không được khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
Siro Astex
Thuốc ho cho trẻ sơ sinh Astex có công dụng điều trị ho có đờm, sát trùng đường hô hấp và chống lại vi khuẩn.
Thành phần thuốc: 90ml thuốc ho astex có chứa tần dày lá (45g), núc nác (11,25g),cineol (0,08g)…
Liều dùng khuyến cáo cho trẻ:
- Trẻ dưới 2 tuổi: 2 – 5ml/lần, 3 lần/ngày
- Trẻ từ 2 – 6 tuổi: 5 – 10ml/lần, 3 lần/ngày
Thuốc ho Bảo Thanh
Thuốc ho cho trẻ sơ sinh Bảo Thanh là sản phẩm của công ty Dược Hoa Linh, có tác dụng điều trị ho khan, ho có đờm, ho lâu ngày không khỏi. Hơn nữa thuốc còn giúp bổ phế, tiêu đờm, hỗ trợ điều trị viêm họng, viêm phế quản.
Thành phần thuốc: ô mai, mật ong, xuyên bối mẫu, tỳ bà diệp, sa sâm, phục linh, trần bì, cát cánh, bán hạ, qua lâu nhân, viễn chí,…
Liều dùng đối với trẻ sơ sinh từ 30 – 36 tháng tuổi: 5ml/lần, 3 lần/ngày.
Một số lưu ý khi dùng thuốc ho cho trẻ sơ sinh
- Nên sử dụng các cách chữa ho không dùng thuốc trước khi cân nhắc đến việc có dùng thuốc ho cho trẻ sơ sinh hay không. Bởi vì hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn rất yếu, việc sử dụng thuốc dù theo chỉ định bác sĩ vẫn ít nhiều tác động đến sức khỏe của bé sau này.
- Nếu sử dụng thuốc ho cho trẻ sơ sinh, phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, cách sử dụng.
- Không nên cho trẻ sơ sinh dùng nhiều hơn 2 loại thuốc trong cùng một thời điểm. Sự cộng hưởng của một hoạt chất nào đó có thể quá liều lượng, dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn.
- Với trẻ em dưới 6 tuổi, không dùng thuốc ho cho trẻ sơ sinh bất kì có thành phần hoạt tính (thuốc kháng histamin, thuốc long đờm, thuốc thông mũi) nếu không có sự kê đơn của bác sĩ vì tác dụng phụ của các thuốc này rất lớn
Sử dụng thuốc ho cho trẻ sơ sinh chỉ thực sự hiệu quả khi bố mẹ tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn của bác sĩ. Thêm vào đó, để giúp bé nhanh chóng khỏi bệnh bố mẹ nên áp dụng kèm theo các cách chữa dân gian và chăm sóc bé ân cần hơn.
Mẹ có thể tham khảo
- Tư vấn: Mẹ sau sinh cần uống thuốc gì để tốt cho sức khỏe?
- Các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh – Triệu chứng và cách phòng tránh
- Bé ốm vặt phải làm sao? Mẹ hãy cùng iPREG tìm lời giải
- Bác sĩ tư vấn: Cách sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ sơ sinh
- Thuốc hạ sốt cho trẻ sơ sinh: Tư vấn liều lượng, cách dùng hiệu quả