Trầm cảm: Dấu hiệu bệnh lý và cách điều trị hiệu quả

Bệnh trầm cảm hiện là vấn nạn báo động trong xã hội hiện đại. Cùng iPREG tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu trầm cảm…

Không ít lần chúng ta đọc và cảm thấy xót xa với những hoàn cảnh mẹ sau sinh ôm con tự tử, học sinh nhảy cầu vì áp lực học tập,… Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân của phần lớn những sự việc đau lòng này chính là trầm cảm. Vậy thực chất trầm cảm là gì? Tại sao lại khiến nhiều người mất phương hướng và niềm tin vào cuộc sống đến như vậy? Mời bạn đọc cùng iPREG làm rõ qua những chia sẻ của bác sĩ Đặng Thanh Tâm trong nội dung dưới đây.

Chịu trách nhiệm nội dung: Dr. Đặng Thanh Tâm

ThS – Bác sĩ Đặng Thanh Tâm hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh Viện Đa Khoa Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên năm 2017, nhận bằng thạc sĩ sản nhi năm 2019 tại Đại học Y Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, bác sĩ Đặng Thanh Tâm quyết định tham gia làm bác sĩ cố vấn cho iPREG. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.

Xem thêm: Trầm cảm khi mang thai: Nỗi ám ảnh của trên 80% mẹ bầu

Tổng quan về trầm cảm

Hiểu một cách đơn giản, trầm cảm – rối loạn cảm xúc (tiếng Anh Depression – NIMH) là một căn bệnh về rối loạn tâm trạng ở những người thường xuyên gặp áp lực, mệt mỏi, căng thẳng. Theo bác sĩ Tâm, trầm cảm là chứng bệnh về tâm thần học do sự rối loạn hoạt động của bộ não. Khi bộ não chịu nhiều áp lực, hoạt động liên tục sẽ gây ra những bất thường trong tâm lý, hành vi và suy nghĩ.

Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc mà còn khiến cho người bệnh dần xa lánh, không muốn nói chuyện, tiếp xúc hoặc gần gũi, tâm sự với những người thân xung quanh. Thậm chí, ở những trường hợp nặng, bệnh nhân còn tự tìm đến cái chết để giải thoát bản thân.

Theo thống kê của WHO, ước tính mỗi năm số người chết do bệnh trầm cảm lên đến 850.000 người. Trong số những người mắc bệnh, chỉ có khoảng 25% trường hợp được chữa khỏi và trở lại cuộc sống bình thường. Đó là lý do chúng ta cần phải tìm hiểu đúng nguyên nhân, biểu hiện và tìm ra hướng giải quyết kịp thời để bảo vệ bản thân và người thân tránh được căn bệnh này.

Nguyên nhân nào khiến con người rơi vào trầm cảm?

Việc xác định được nguyên nhân trầm cảm sẽ giúp bác sĩ lựa chọn đúng phương pháp điều trị nhằm giúp bệnh nhân mau chóng phục hồi. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây nên bệnh rối loạn cảm xúc.

Sang chấn tâm lý

Sang chấn tâm lý chính là nguyên nhân đầu tiên gây ra rối loạn cảm xúc và khiến người bệnh có xu hướng tự kỷ, ít nói hơn so với bình thường. Sang chấn tâm lý bắt nguồn từ nhiều yếu tố như mâu thuẫn với gia đình, gặp khó khăn trong công việc, mắc một số bệnh nan y như: ung thư, stress lâu ngày nhưng không được quan tâm, san sẻ.

Sử dụng chất gây nghiện

Rượu, bia, thuốc lá, heroin, ma túy có chứa chất kích thích tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương với mục đích tạo cảm giác sảng khoái, hưng phấn và thư giãn tạm thời. Nếu sử dụng lâu ngày, hệ thần kinh bị ức chế gây rối loạn tâm thần, tiêu cực trong suy nghĩ, thường xuyên buồn chán và có tâm lý phụ thuộc.

Mỗi lúc buồn chán, mệt mỏi, áp lực, nhiều người lại tìm đến những chất kích thích kể trên để được giải tỏa tâm lý và thư giãn đầu óc. Nhưng họ lại không lường trước được hậu quả bộ não bị tổn thương, tâm trạng ngày càng buồn rầu và lâu dần sẽ bị rối loạn cảm xúc, khó kiểm soát.

Bệnh thực thể ở não

Một số người bị trầm cảm nặng do bệnh thực thể ở não như: chấn thương sọ não, viêm não, u não,… Những chấn thương ở não bộ khiến cho cơ thể giảm ngưỡng chịu đựng stress và dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn khi gặp một cú sốc bất ngờ như: mâu thuẫn vợ chồng, công ty phá sản,…

Nếu rối loạn cảm xúc xuất phát từ bệnh thực thể ở não thì chỉ cần xác định đúng nguyên nhân là có thể điều trị triệt để. Người bệnh có cơ hội khỏi hoàn toàn và không ảnh hưởng để cuộc sống cũng như công việc.

Nguyên nhân nội sinh

Khi các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ như Noradrenaline, Serotonin bị rối loạn và khiến cho việc tiếp nhận thông tin bị sai lệch thì sẽ rất dễ dẫn đến bệnh trầm cảm.

Người bệnh dễ bị hoang tưởng, chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống và có hành vi tự sát khi bệnh tiến triển nặng. Theo các bác sĩ chuyên khoa, rối loạn cảm xúc do nguyên nhân nội sinh khó điều trị dứt điểm và tỷ lệ tái phát rất cao.

Trầm cảm không rõ nguyên nhân

Một số người bị rối loạn tâm thần nhưng không rõ nguyên nhân và bệnh phát triển từ từ. Nhiều giả thiết cho rằng, bệnh nhân mắc bệnh có thể là do di truyền, môi trường sống hoặc hành vi ứng xử của những người thân xung quanh.

Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh trầm cảm

Bệnh rối loạn cảm xúc có thể được điều trị hiệu quả nếu như được phát hiện sớm. Bởi vậy, đừng bỏ qua những biểu hiện bệnh trầm cảm dưới đây để kịp thời thăm khám và có hướng xử lý kịp thời.

Khí sắc trầm buồn

Với những người mắc bệnh rối loạn tâm thần sẽ có khí sắc trầm buồn, thể hiện rõ trên khuôn mặt như buồn bã, rầu rĩ, chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống và thường có xu hướng bi quan khi đối mặt với những vấn đề thường ngày.

Ít nói

Người bệnh ít nói, ít thể hiện cảm xúc và không quan tâm đến những sở thích trước đây. Họ luôn nhốt mình trong suy nghĩ tiêu cực, không chia sẻ, không gần gũi và hầu như không muốn mở lòng, nói chuyện với người thân, bạn bè. Ngoài ra, bệnh nhân còn đi đứng chậm chạp, làm việc kém và có cảm giác bất cần.

Rối loạn giấc ngủ

Có đến 95% trường hợp trầm cảm bị rối loạn giấc ngủ. Mặc dù rất buồn ngủ nhưng lại luôn trằn trọc, thao thức, khó đi vào giấc ngủ sâu. Tình trạng này diễn ra lâu ngày sẽ khiến cơ thể bị suy nhược, tâm trạng bất ổn và làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.

Giảm cân

Bệnh nhân có cảm giác ăn không ngon miệng, chán ăn, mệt mỏi,… khiến cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và sút cân rất nhanh. Một số khác lại có xu hướng thèm ăn, ăn rất nhiều và liên tục tăng cân.

Xem thêm: Gợi ý 100+ thực đơn giảm cân hiệu quả nhất từ chuyên gia

Không tập trung

Hầu hết người mắc bệnh rối loạn cảm xúc sẽ cảm thấy mệt mỏi vào mỗi buổi sáng. Họ không muốn làm gì, không thể tập trung khiến công việc trì trệ và cảm thấy chán nản, thường xuyên than phiền.

Lo lắng, sợ hãi vô cớ

Có suy nghĩ tiêu cực, tuyệt vọng, mất niềm tin vào bản thân. Đôi khi, lo lắng, sợ hãi không rõ nguyên nhân và luôn cảm thấy có lỗi với mọi người.

Hình thức bên ngoài

Về hình thức bên ngoài, người bệnh thường xuyên ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, chậm chạp, thường xuyên giận dỗi vô cớ và hay cáu gắt với mọi người.

Có ý định tự sát

Trường hợp trầm cảm nặng, người bệnh hay có ý định tự sát, cảm giác tội lỗi, tuyệt vọng và muốn giải thoát cho bản thân cũng như không muốn trở thành gánh nặng cho người thân.

Đối tượng dễ mắc bệnh

Những đối tượng dưới đây có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với người bình thường:

Người bị sang chấn tâm lý

Khi phải chịu một cú sốc quá lớn như vợ/chồng ngoại tình, thi rớt đại học, gia đình phá sản,… sẽ khiến nhiều người rơi vào tuyệt vọng và mất kiểm soát trong suy nghĩ, lời nói, hành vi.

Phụ nữ sau sinh

Trầm cảm sau sinh là căn bệnh thường gặp ở mức độ nặng và nhẹ. Cơ thể mệt mỏi, chưa hồi phục vết thương, con thường xuyên quấy khóc, thức đêm kéo dài, chồng không quan tâm, người nhà không san sẻ gánh nặng,… chính là những nguyên nhân khiến tình trạng trầm cảm ở phụ nữ sau sinh ngày càng gia tăng.

Người bị áp lực

Áp lực công việc, cuộc sống, học hành, thi cử, tiền bạc, nợ nần,… khiến nhiều người hoảng loạn và rối loạn cảm xúc.

Tổn thương não

Người bị u não, chấn thương sọ não,… sẽ mặc cảm, tự ti về bệnh tật và có xu hướng xa lánh, ít nói do rối loạn chức năng não bộ.

Cách phòng ngừa bệnh rối loạn cảm xúc hiệu quả

Bệnh trầm cảm hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng một số cách như sau:

Thường xuyên chia sẻ, trò chuyện với người thân

Khi gặp áp lực, mệt mỏi hay phải đối mặt với những cú sốc tưởng chừng như không thể vượt qua, bạn nên tâm sự với người thân xung quanh. Hãy mở lòng ra, chia sẻ và nhận được sự quan tâm, lo lắng của mọi người. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn, có niềm tin vào cuộc sống và bình tĩnh giải quyết những khúc mắc đang gặp phải.

Quan tâm, giúp đỡ

Đừng vô tâm, vô cảm với người thân của mình. Hãy học cách quan tâm, lắng nghe và sẻ chia để chúng ta có thêm nhiều niềm vui hơn. Đặc biệt, với những người đã có dấu hiệu trầm cảm sớm, hãy nhẹ nhàng quan tâm và tháo gỡ những điều mà họ đang giấu kín.

Không nên để người dễ trầm cảm bị cô đơn

Bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc thường thu mình lại, ít nói cười, không thích chia sẻ và xu hướng suy nghĩ, hành động tiêu cực. Và bệnh sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu họ bị cô lập, không được quan tâm. Vậy nên, hãy thường xuyên trò chuyện, tạo không khí vui vẻ, ấm cúng và tổ chức những buổi sum họp gia đình để người bệnh tự tin, thoải mái, mở lòng mình nhiều hơn.

Hậu quả của bệnh trầm cảm

Bệnh trầm cảm có nguy hiểm không? Theo bác sĩ Tâm, có đến 50% nguyên nhân tự sát là do trầm cảm. Điều này cũng đủ chứng minh được bệnh sẽ gây nguy hiểm nếu như không được chữa trị kịp thời. Ngoài ra, người bệnh còn gặp một số biến chứng như:

Rối loạn cảm xúc

Người bệnh không kiểm soát được hành vi của bản thân, luôn suy nghĩ tiêu cực và cáu gắt, nóng giận vô cớ. Nếu người thân không tâm lý, không chia sẻ, bệnh sẽ ngày càng nặng, khó điều trị.

Ảnh hưởng đến thần kinh

Hệ thần kinh trung ương phải chịu áp lực, não bộ tiếp nhận thông tin không chính xác, lâu dần, chức năng điều khiển bị suy giảm và ảnh hưởng đến thần kinh của người bệnh.

Tự sát

Ở mức độ nặng hơn, người bệnh cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình và xã hội. Họ luôn mặc cảm, tự ti và muốn giải thoát khỏi những đau khổ đang gặp phải. Tỷ lệ tử vong do trầm cảm đang ngày càng gia tăng. Do đó, hãy lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn để người bệnh cảm thấy được yên tâm, an ủi.

Chẩn đoán bệnh trầm cảm như thế nào?

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thông qua một số biểu hiện lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định chính xác. Cụ thể:

Lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng của bệnh bao gồm:

3 triệu chứng đặc trưng

  • Khí sắc trầm buồn
  • Thường xuyên mệt mỏi, chán nản, không tập trung vào công việc
  • Không còn hứng thú với những sở thích của bản thân.

7 triệu chứng phổ biến

  • Luôn cảm thấy tự ti, dễ tủi thân
  • Giảm sự chú ý
  • Luôn có cảm giác tội lỗi
  • Ngủ không ngon, khó đi vào giấc ngủ
  • Mất cảm giác ngon miệng, chán ăn
  • Luôn suy nghĩ theo hướng tiêu cực, bi quan.

Căn cứ vào biểu hiện lâm sàng, bác sĩ sẽ xác định mức độ trầm cảm của người bệnh gồm:

Trầm cảm nhẹ

Có ít nhất 2 biểu hiện đặc trưng và 2 biểu hiện phổ biến. Những biểu hiện này kéo dài trong vòng 2 tuần và không tiến triển nặng hơn. Bệnh nhân vẫn sinh hoạt, làm việc học tập bình thường nhưng không còn nhanh nhẹn, hoạt bát như trước đây.

Trầm cảm vừa

Xuất hiện ít nhất 2 triệu chứng đặc trưng và 3 biểu hiện phổ biến. Những biểu hiện lâm sàng kéo dài trong vòng 2 tuần, dễ nhận biết, bệnh nhân có xu hướng thu mình lại, ngại tiếp xúc và gặp khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Trầm cảm nặng

Có 3 triệu chứng đặc trưng và 4 triệu chứng phổ biến. Thời gian xuất hiện các triệu chứng kéo dài ít nhất là 2 tuần, có khả năng tiến triển nặng hơn và khởi phát rất nhanh. Ngoài ra, trường hợp nặng còn xuất hiện ảo giác, hoang tưởng, khó kiểm soát hành vi của mình,…

Cận lâm sàng

Bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng giúp xác định nồng độ chất dẫn truyền thần kinh và xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh để có hướng xử lý kịp thời nhất. Một số xét nghiệm cận lâm sàng được bác sĩ thực hiện gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu, sinh hóa, chức năng thận, gan
  • Tiến hành các trắc nghiệm tâm lý đơn giản
  • Thực hiện điện tim, điện não đồ
  • Chụp MRI, CT sọ não
  • Những trường hợp nặng hơn sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm chuyên khoa liên quan.

Cách điều trị trầm cảm

Tùy vào mức độ nặng nhẹ và nguyên nhân gây bệnh trầm cảm để có cách điều trị phù hợp nhất với từng bệnh nhân.

Điều trị tâm lý

Với những bệnh nhân trầm cảm nhẹ, có những vướng mắc trong lòng chưa thể giải quyết thì có thể sử dụng biện pháp điều trị tâm lý nhằm giúp người bệnh hiểu về tình trạng của mình, chấp nhận điều trị và nhận thức rõ hơn về giá trị của bản thân.

Đồng thời, người thân an ủi, động viên, quan tâm và chia sẻ với người bệnh nhiều giúp họ loại bỏ tâm lý tiêu cực, yên tâm, giảm căng thẳng. Người bệnh sẽ chấp nhận và đối diện với những áp lực từ công việc, cuộc sống dễ dàng hơn. Từ đó, họ biết nâng cao giá trị bản thân, tự tin hơn, suy nghĩ tích cực hơn và có ý thức chăm sóc cũng như tìm niềm vui cho mình.

Điều trị bằng thuốc

Các bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn những loại thuốc phù hợp để điều trị chứng rối loạn cảm xúc. Trước khi chỉ định loại thuốc, liều dùng, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh của bệnh nhân.

Nhìn chung, phương pháp này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng không mong muốn. Do đó, phương áp này cũng ít được sử dụng và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi muốn dùng lâu dài.

Liệu pháp sốc điện

Đối với những trường hợp trầm cảm nặng, kháng thuốc, bệnh nhân có ý nghĩ tự sát thì bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp sốc điện để điều trị. Bác sĩ sẽ dùng một nguồn điện được kiểm soát, sau đó đưa vào não bộ của bệnh nhân với mục đích tạo ra các cơn co giật nhỏ.

Liệu pháp này có công dụng phục hồi liên kết của nơ ron thần kinh, ổn định nồng độ chất dẫn truyền thần kinh và ngăn ngừa hành vi tiêu cực, tự sát. Nhược điểm của phương pháp này là người bệnh có khả năng mất trí nhớ trong vòng vài tuần và cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt sau khi điều trị.

Trầm cảm khiến người bệnh tự ti, buồn rầu và không còn hứng thú để khám phá thế giới xung quanh. Vậy nên, bạn đừng bỏ qua những thông tin hữu ích mà iPREG tổng hợp ở trên để hiểu hết về bệnh cũng như có hướng điều trị kịp thời để bảo vệ những người thân yêu nhất của mình nhé.

Tham khảo thêm

  • Rối loạn tiền đình: Triệu chứng và cách chữa hiệu quả
  • Thủ dâm ở nam và nữ: Những lợi ích và cách tự sướng an toàn
  • Đau bụng dưới: Những dấu hiệu bệnh lý và cách điều trị
  • Tổng hợp các thông tin tâm lý bà bầu
  • Tại sao bé khóc? Hiểu đúng để nuôi con tốt hơn
Bác sĩ Đặng Thanh Tâm
Bác sĩ Đặng Thanh Tâm
ThS – Bác sĩ Đặng Thanh Tâm hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh Viện Đa Khoa Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên năm 2017, nhận bằng thạc sĩ sản nhi năm 2019 tại Đại học Y Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, bác sĩ Đặng Thanh Tâm quyết định tham gia làm bác sĩ cố vấn cho iPREG. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.

Related Posts

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

spot_img

Recent Stories