Rau dền: Những lợi ích, cách chọn mua và sử dụng từ chuyên gia

Rau dền rất phổ biến tại Việt Nam. iPREG giới thiệu công dụng, cách chọn mua và chế biến món ăn hấp dẫn từ…

Rau dền là thực phẩm không chỉ có tác dụng thanh nhiệt trong mùa hè mà còn vô vàn những lợi ích khác cho sức khỏe. Bạn đã biết hết chưa? Tại sao trên mâm cơm của nhiều gia đình món ăn chế biến từ rau dền luôn được ưa thích? Mẹ mang thai hoặc đang cho con bú có ăn được không? Hãy cùng iPREG tìm hiểu chi tiết qua bài viết tổng hợp sau đây.

Chịu trách nhiệm nội dung: Coach. Lê Thu Hà

Coach. Lê Thu Hà hiện đang là huấn luyện viên thể hình, yoga trong trung tâm GYM cá nhân tại TP Hồ Chí Minh. Chị tốt nghiệp đại học thể thao TP Hồ Chí Minh năm 2012. Năm 2019 Coach Hà hợp tác cùng iPREG để cung cấp các thông tin về thể chất, dinh dưỡng, vận động tới bạn đọc. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.

Xem thêm: Rau cho bà bầu: Loại rau nào tốt nhất khi mang thai?

Rau dền là rau gì?

Định nghĩa

Rau dền (trong tiếng Anh là Amaranth – USDA) là một loài thực vật thân thảo, chịu hạn và có sức nảy mầm cao. Loại rau này thường có một thân thẳng, nhiều cành vươn vừa phải. Không những được dùng làm thực phẩm, mà còn được sử dụng làm thuốc chữa rất nhiều bệnh.

Thân và lá có vị ngọt, mát, ăn thơm ngon. Thành phần chính có chứa: sắt, vitamin B2, vitamin C, axit nicotic và canxi rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra hạt của rau dền còn giàu tinh bột, đạm thực vật và lysin.

Xem thêm: Quả bơ: Thông tin dinh dưỡng, cách chọn mua và sử dụng

Đặc điểm nhận biết

Ở nước ta có 3 chủng loại chính bao gồm:

Rau dền đỏ

Lá thường nhỏ hơn các loại dền khác, khoảng bằng 2 ngón tay chụm lại. Thân và lá cây đều có màu đỏ tía, chứa lượng nước cao. Khi nấu chín bằng cách luộc hoặc nấu canh, nước có màu đỏ tươi rất hấp dẫn. Ngoài ra, loại rau này còn được trồng để cho ra củ dền cũng có màu đỏ tía tương tự. Trong rau dền đỏ chứa nhiều dưỡng chất như: glucid, vitamin, protein và các khoáng chất khác.

Rau dền cơm

Đây là loại rau dền thuộc nhóm lá xanh, rất phổ biến ở nước ta. Rau dền cơm có hoa ở ngọn. Phần lá non, thân non thường được chế biến thành các món ăn ngon; còn phần rễ củ và thân cây có thể được dùng làm thuốc chữa bệnh. Hai bộ phận này chứa nhiều dưỡng chất quan trọng và hoạt hóa cơ thể.

Rau dền gai

Loại rau này thường mọc ở những nơi hoang dại hoặc những vùng đất bị bỏ hoang. Thoạt nhìn, rau dền gai có lá hình bầu dục, thon dài và nhọn ở đầu như mũi giáo. Nếu được trồng để lấy rau, hoa sẽ mọc theo cành. Nếu trồng để lấy hạt, hoa sẽ mọc thành chùm giống như hình chùy ở đầu cành. Trong số các loại dền, rau dền gai có khả năng chịu hạn cao nhất và phát triển tốt ngay cả khi điều kiện sinh trưởng không thuận lợi.

Xem thêm: Rau càng cua: Thông tin dinh dưỡng và sử dụng chi tiết

Điều kiện canh tác và hay có ở vùng nào?

Rau dền có thể được tìm thấy ở vùng đồng bằng lẫn vùng núi ở độ cao lên đến 1500m như Andes hay Himalaya. Tại Việt Nam, ba giống rau dền ở trên sẽ được chọn từ các cây già mang hạt chín hoặc từ những công ty kinh doanh hạt giống.

Chu kỳ phát triển của rau dền tương đối ngắn, gieo hạt sau 25 – 30 ngày là có thể đem trồng, sau đó cũng tầm 25 – 30 ngày là có thể thu hoạch được. Ở miền Nam nước ta, rau dền được trồng quanh năm. Giống cây này ít bị sâu bệnh, lại dễ sinh trưởng nên không gặp nhiều khó khăn trong việc chăm bón.

Lợi ích của rau dền đối với sức khỏe

Rau dền có tác dụng gì không phải ai cũng biết. Ngoài công dụng bổ máu, thanh nhiệt, mát gan, loại rau này còn được biết như một loại thuốc đông y hỗ trợ điều trị một số bệnh vô cùng hiệu quả.

Cải thiện xương khớp

Trong rau dền có hàm lượng canxi cao, đặc biệt là dền gai. Theo một số nghiên cứu, hàm lượng canxi cao gấp 3 lần so với cải bó xôi và cao gấp 2 lần so với sữa. Vì vậy, đây là loại thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn hằng ngày, không chỉ giúp tăng cường độ cứng của xương mà còn giảm thiểu các bệnh liên quan đến thiếu canxi như: loãng xương, co giật,…

Xem thêm: Bà bầu bị đau lưng: Nguyên nhân và cách giảm đau lưng hiệu quả

Cải thiện tình trạng viêm

Chuỗi peptid trong các loại rau dền có tác dụng làm giảm tình trạng viêm sưng khá hiệu quả. Ngoài ra, còn góp phần ngăn chặn hoạt động của gốc tự do tấn công các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Đồng thời làm giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp, bệnh gout hay các vấn đề liên quan đến tình trạng viêm khác.

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường

Bổ sung rau dền hằng ngày sẽ duy trì mức đường huyết trong máu, từ đó giúp các bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường có thể kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn. Ngoài ra, dưỡng chất có trong rau dền còn hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường huyết như: béo phì, cholesterol trong máu,…

Xem thêm: Huyết áp tăng, giảm khi mang thai ảnh hưởng gì tới sức khỏe bà bầu?

Ngăn ngừa thiếu máu

Hàm lượng sắt có trong rau dền khá cao, vì vậy, thực phẩm này thường được lựa chọn trong thực đơn của người thiếu máu do thiếu sắt. Nó có tác dụng gia tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu, từ đó bổ sung lượng máu cần thiết, ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu.

Tốt cho hệ tiêu hóa

Lượng chất xơ dồi dào, thậm chí cao gấp 3 lần so với lúa mì. Vì thế sử dụng thực phẩm này thường xuyên sẽ cải thiện hoạt động hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra, nước nấu rau dền còn có vai trò hỗ trợ điều trị các triệu chứng như: mất nước, tiêu chảy hoặc xuất huyết.

Ngăn ngừa ung thư

Lượng axít amin có trong rau, đặc biệt là acid amin lysin cùng một số loại khoáng chất quan trọng khác như: kali, phốt pho, vitamin C, vitamin E có tác dụng ngăn ngừa các gốc tự do có thể làm hình thành và phát triển các tế bào ung thư.

Món ăn ngon với rau dền

Rau dền được chế biến thành nhiều món ăn ngon, làm phong phú thêm thực đơn hằng ngày cho các gia đình. Trong đó, không thể không kể đến những món ăn như:

Canh rau dền nấu tôm

Nhiều người thắc mắc: Rau dền ăn với tôm được không? Có những cách chế biến nào? Xin bật mí canh rau dền nấu tôm nõn, tôm khô hay thịt heo cuộn tôm đều thơm ngon, ngọt vị. Đây là món ăn sinh ra để dành cho mùa hè với tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giảm các triệu chứng đau đầu, chóng mặt vô cùng hiệu quả.

Xem thêm: Rau má và những tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe

Canh dền nấu hến

Món ăn này nếu được chế biến đúng cách sẽ có vị ngọt thanh rất dễ chịu. Rau dền và hến kết hợp với nhau sẽ nhân đôi công dụng giải nhiệt, làm mát cơ thể, đặc biệt vào những ngày trời hè nắng nóng.

Rau dền đỏ xào tỏi

Những ai sành ăn chắc chắn không thể bỏ qua món ngon này. Ngoài những dưỡng chất từ rau dền, các thành phần dinh dưỡng đặc biệt từ tỏi cũng sẽ làm món ăn thêm hấp dẫn và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Canh củ dền nấu thịt

Củ dền cho thể được nấu cùng thịt bằm và cải thảo mang lại hương vị vô cùng thơm ngon. Món canh này sẽ cung cấp nhiều khoáng chất cho cơ thể, đặc biệt là sắt, rất có lợi cho người thiếu máu do thiếu sắt.

Những ai không nên ăn rau dền?

Không thể phủ nhận rau dền mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, có một số đối tượng không phù hợp để sử dụng loại thực phẩm này:

Người bị tiêu chảy

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tác dụng làm mát, giải nhiệt, nhuận tràng của rau dền xuất phát từ tính hàn của loại rau này. Người bị tiêu chảy mãn tính, tiêu lỏng, lạnh bụng,… ăn nhiều sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn.

Phụ nữ có thai hư hàn

Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ có thai, cơ thể dễ bị nhiễm lạnh không nên ăn rau dền để an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Tình hàn trong rau dền không tốt cho đối tượng này.

Xem thêm: 10 loại thực phẩm mẹ cần tránh hoặc hạn chế sử dụng khi mang thai

Người bị bệnh gout, viêm khớp dạng thấp và bệnh sỏi thận

Trong rau dền có chứa nhiều axít oxalic gây ức chế hấp thụ canxi và kẽm, đồng thời cũng tăng nguy cơ hình thành sỏi oxalat. Vì vậy, mà thực phẩm này không được khuyến cáo dùng cho các bệnh nhân bị gout, viêm khớp, sỏi thận.

Lưu ý khi chọn mua và sử dụng rau dền

Chọn mua

Là loại rau khá phổ biến, được bày bán ở hầu hết các chợ và siêu thị khắp cả nước. Để chọn được bó rau ngon, bạn cần bỏ túi ngay những bí kíp sau:

  • Chọn rau màu xanh tươi hoặc đỏ tươi. Tránh chọn bó rau có màu sẫm, lá già vì sẽ làm giảm độ thơm ngon của món ăn.
  • Chọn cành chắc, không quá mềm, lá không dập nát để tránh lựa phải rau héo, rau cũ.

Chế biến và sử dụng

Trước khi chế biến, bạn phải biết nhặt rau đúng cách để giữ lại phần ngon và bổ dưỡng nhất cho món ăn của mình. Mặc dù có 3 loại khác nhau nhưng về cơ bản chúng vẫn được sơ chế khá giống nhau, bao gồm:

  • Nhặt bỏ rễ và những lá bị héo úa, sau đó ngắt phần thân và lá non. Những phần thân già cần được bỏ đi vì khi nấu sẽ dai và mất đi vị ngọt.
  • Rửa rau dưới vài lần nước và ngâm trong nước muối khoảng 10 phút để đảm bảo rau được sạch hết bụi bẩn.

Một vài lưu ý khi chế biến và sử dụng để không nguy hại cho sức khỏe:

  • Tránh ăn với quả lê vì sự kết hợp này có thể gây buồn nôn.
  • Không ăn với thịt ba ba vì theo nghiên cứu, hai thực phẩm này có thể gây độc vô cùng nguy hiểm. Để giải độc có thể áp dụng mẹo dân gian như uống nước rau muống giã hoặc ăn rau muống sống.
  • Không nên ăn canh đã được hâm nóng nhiều lần. Theo bác sĩ, canh rau dền cùng một số loại canh khác để qua đêm và được hâm nóng nhiều lần có thể sản sinh hàm lượng nitrat khá nhiều. Khi vi khuẩn bị phân hủy, nitrat sẽ tạo thành nitrite và hình thành N-nitroso khi vào dạ dày, gây nên một số bệnh ung thư vô cùng nguy hiểm.

Rau dền có tác hại không?

Theo một số nghiên cứu, việc ăn quá nhiều hoặc sử dụng không đúng cách có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn sau:

  • Gây tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa do không dung nạp protein lysinuric ở một số đối tượng, nhất là trẻ em.
  • Tăng hấp thụ canxi khiến hàm lượng này tăng cao nguy hại cho cơ thể.
  • Giảm mức insulin có thể dẫn đến hạ đường huyết.
  • Gây sỏi oxalat dẫn đến hình thành sỏi thận.
  • Có thể gây dị ứng bởi hàm lượng nhỏ histamin trong rau dền mặc dù vô cùng hiếm gặp.
  • Khiến các bệnh như gout, tiêu chảy trầm trọng hơn như đã đề cập ở những phần trên.
  • Răng trở nên thô ráp do axit oxalic trong rau dền có thể hình thành những tinh thể nhỏ bám trên răng.

Những lợi ích tuyệt vời của rau dền chính là nguyên nhân khiến thực phẩm này luôn góp mặt trong thực đơn hằng ngày của nhiều gia đình. Tuy nhiên, để không gây ra các vấn đề về sức khỏe, mọi người cần tránh sử dụng rau với một số thực phẩm kiêng kỵ cũng như với một số đối tượng không phù hợp nhé.

Tham khảo thêm

  • Thực phẩm cần tránh sau sinh: Tư vấn chi tiết từ chuyên gia
  • Ăn gì để vào con không vào mẹ? Chuyên gia tư vấn
  • 9 loại hạt tốt nhất cho bà bầu được chuyên gia khuyến nghị sử dụng
  • Tư vấn: Những loại hoa quả nên ăn khi mang thai 3 tháng đầu
  • Ung thư vú: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng tránh
Bác sĩ Đặng Thanh Tâm
Bác sĩ Đặng Thanh Tâm
ThS – Bác sĩ Đặng Thanh Tâm hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh Viện Đa Khoa Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên năm 2017, nhận bằng thạc sĩ sản nhi năm 2019 tại Đại học Y Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, bác sĩ Đặng Thanh Tâm quyết định tham gia làm bác sĩ cố vấn cho iPREG. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.

Related Posts

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

spot_img

Recent Stories