Rau càng cua có nhiều ở Việt Nam, hàm lượng dinh dưỡng cao nên được các gia đình Việt ưa chuộng. Cùng iPREG tìm…
Từ phương Tây đến phương Đông, rau càng cua được sử dụng như một thần dược chữa bệnh và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, rau càng cua có tác dụng gì, chế biến ra sao để giữ nguyên hàm lượng dinh dưỡng thì không phải ai cũng biết. Vì thế, đừng bỏ lỡ bài viết sau đây của iPREG để hiểu thêm về loài rau dại nhưng vô cùng lợi hại này nhé.
Chịu trách nhiệm nội dung: Coach. Lê Thu Hà
Coach. Lê Thu Hà hiện đang là huấn luyện viên thể hình, yoga trong trung tâm GYM cá nhân tại TP Hồ Chí Minh. Chị tốt nghiệp đại học thể thao TP Hồ Chí Minh năm 2012. Năm 2019 Coach Hà hợp tác cùng iPREG để cung cấp các thông tin về thể chất, dinh dưỡng, vận động tới bạn đọc. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.
Xem thêm: Rau dền: Những lợi ích, cách chọn mua và sử dụng từ chuyên gia
Rau càng cua là rau gì?
Định nghĩa
Rau càng cua (tên tiếng Anh: Pepper elder) là một loại cây thân cỏ thuộc họ hồ tiêu. Đây là họ thực thực vật có đến 3600 loài được nhóm thành 5 chi. Trong đó, cây càng cua thuộc nhóm Peperomia cùng với tiêu màng, phân bố rộng khắp vùng khí hậu nhiệt đới. Cây mọc hoang dại, dễ sinh trưởng nhưng lại chứa nhiều thành phần dinh dưỡng. Rau ngon hơn khi ăn sống, có vị giòn giòn, chua nhẹ vô cùng đặc biệt.
Xem thêm: Quả bơ: Thông tin dinh dưỡng, cách chọn mua và sử dụng
Đặc điểm nhận biết
Rau càng cua có những đặc điểm riêng rất dễ nhận biết, có thể kể đến như:
- Cây có màu xanh nhạt, thân chứa nhiều nước hơi nhớt, nhỏ và nhẵn.
- Lá mọc so le, có hình trái tim nhọn màu xanh, có cuống.
- Hoa mọc thành chùm dài ở đầu ngọn cây hợp thành bông dạng sợi dài gấp 2 – 3 lần lá.
- Quả mọng hình cầu nhỏ, đường kính 0,5mm, có mũi nhọn cứng ngắn ở đỉnh.
- Rễ chùm phát triển mạnh mẽ trong môi trường sống ẩm ướt, mát mẻ.
Điều kiện sinh trưởng và quá trình phát triển
Rau càng cua sống thích hợp ở những nơi ẩm ướt như đất ẩm thấp, mương rạch, vách tường, dưới chân tường, trên đá, góc ao,… Cây mọc tự nhiên, không cần chăm sóc, xanh tốt hơn sau những trận mưa.
Khi còn nhỏ, rau mọc thẳng đứng, sau đó sẽ bò lan ra mặt đất, thân chia ra thành nhiều nhánh nhỏ. Cây càng cua thường nở hoa vào tháng giêng và tháng 8 âm lịch, có sức sống mạnh mẽ, hạt rất nhỏ nên dễ phân tán ra nơi xa, sinh trưởng tốt khi gặp điều kiện thuận lợi.
Thành phần dinh dưỡng trong rau càng cua
Mặc dù mọc hoang dại và không cần chăm bón để phát triển nhưng lại là thực phẩm rất được ưa thích vì sự thơm ngon của nó. Dưỡng chất có trong cây càng cua cũng rất phong phú như: beta – caroten (tiền vitamin A), sắt, kali, magie, vitamin C, carotenoid,…
Trong 100g chứa khoảng 92% nước, phốt pho (34mg), kali (277 mg), canxi (224 mg), magie (62 mg), sắt (3,2 mg), vitamin C (5,2 mg), carotenoid (4.166 UI) và cung cấp cho cơ thể 24 đơn vị calo.
Xem thêm: Rau má và những tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe
Rau càng cua có tác dụng gì với sức khỏe?
Ở phương Tây, rau càng cua được xem như một loài cỏ dại hơn là một loại thực phẩm. Vì thế, họ thường nghiền lá để đắp trị sốt rét, đau đầu. Còn ở các nước Á Châu, rau này được dùng như một loại thuốc Đông y có tính bình, dùng để trị đau nhức xương khớp hoặc được vò nát đắp lên da trị bỏng. Tại Việt Nam, cây rau càng cua được sử dụng để chế biến nhiều món ăn ngon và rất tốt cho sức khỏe. Dưới đây là những công dụng chính đã được khoa học chứng minh hiệu quả:
Kháng khuẩn
Theo một số nghiên cứu, chiết xuất tinh dầu từ lá và thân cây có đặc tính kháng khuẩn mạnh, nhờ các chất patuloside và axanthone glycoside. Không chỉ có tác dụng bên trong, rau càng cua còn có tác dụng điều trị ngoài da trong trường hợp vết thương viêm nhiễm, sưng mủ.
Chống viêm và chống oxy hóa
Rau càng cua còn là một bài thuốc trong điều trị các triệu chứng như: sốt, ho, cảm lạnh, đau đầu, viêm khớp. Tác dụng hạ sốt của loại rau này được chứng minh tương đương với thuốc aspirin. Bên cạnh đó cũng có tác dụng làm hạn chế sự phát triển của các gốc tự do gây hại cho cơ thể. Chất beta – caroten có trong loại rau này chính là chất chống oxy hóa hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào.
Tái tạo xương
Nhờ chiết xuất etanolic dồi dào, cây càng cua còn được biết đến như một loại dược liệu có tác dụng hỗ trợ việc tái tạo xương sau chấn thương. Nhờ đó mà tốc độ chữa lành của việc gãy xương cũng nhanh chóng hơn.
Ngăn ngừa các bệnh ung thư
Một số thành phần có trong rau càng cua có thể ức chế sự phát triển của một số tế bào ung thư. Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa cũng sẽ phát huy tác dụng trong việc ngăn ngừa ung thư.
Giảm nồng độ axit uric có trong máu
Khi nồng độ axit uric trong máu quá cao có thể dẫn đến viêm khớp, về lâu dài có thể tiến triển thành bệnh gout, sỏi thận, suy thận. Chế độ ăn uống và luyện tập không lành mạnh là một trong những nguyên nhân khiến nồng độ axit uric tăng lên. Trong số các thực phẩm, rau càng cua được chứng minh có thể làm giảm nồng độ axit uric trong máu và giữ nó luôn ở mức ổn định.
Giải nhiệt, thanh lọc cơ thể
92% thành phần của rau càng cua là nước nên dễ hiểu vì sao loại rau này lại có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể rất tốt. Giã lá lấy nước uống hoặc ăn sống rau trong các món salad, bạn sẽ cảm nhận được công dụng tuyệt vời.
Giảm cân
Trong 100g rau càng cua cung cấp rất ít năng lượng, chỉ khoảng 24 đơn vị calo. Vì vậy, những ai muốn giảm cân, duy trì vóc dáng thì loại rau này không nên được bỏ qua trong thực đơn hằng ngày. Rau cũng thích hợp làm các món gỏi, trộn, khá kích thích vị giác nên sử dụng lâu dài cũng không hề gây nhàm chán.
Xem thêm: Lượng calo trong thức ăn, bảng tính nhu cầu calo chi tiết
Những món ngon hấp dẫn với rau càng cua
Rau càng cua không chỉ được chế biến thành những món ăn hằng ngày mà còn rất được ưa chuộng trong những bữa tiệc gia đình, tiệc đám cưới,… Vậy rau càng cua nấu gì ngon, tham khảo ngay một số món sau đây nhé:
Rau càng cua trộn thịt bò
Món gỏi rau càng cua trộn thịt bò thường được dùng làm món khai vị trong các bữa tiệc nhờ hương vị chua ngọt vô cùng thơm ngon. Cách làm món này khá dễ lại không mất nhiều thời gian nên rất được các bà nội trợ yêu thích.
Rau càng cua trộn trứng
Gỏi trứng với rau càng cua là món ăn không thể thiếu trong thực đơn ăn kiêng của nhiều người. Nguyên liệu dễ mua, chế biến đơn giản nhưng hiệu quả giảm cân chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ đấy nhé.
Canh rau càng cua với thịt băm
Tuy ít phổ biến hơn món gỏi nhưng canh rau càng cua nấu thịt băm cũng rất đáng để thử. Chỉ cần nấu đơn giản như những món canh bình thường khác, bạn đã có ngay một bát canh ngọt mát giải nhiệt cho mùa hè này rồi.
Rau càng cua xào tỏi
Để gia tăng thêm hương vị cho món ăn, bạn có thể kết hợp xào rau càng cua với tỏi hoặc với những nguyên liệu khác như: thịt bò, tôm, trứng,… Nhớ trang trí đẹp mắt để món ăn thêm phần hấp dẫn hơn nhé.
Lưu ý khi chọn mua và sử dụng
Chọn mua
Một số mẹo vặt sau đây sẽ giúp bạn chọn mua được rau càng cua tươi ngon cho mình:
- Chọn rau có màu xanh non, mọng nước, lá căng bóng, không héo. Tránh những rau màu xanh đậm vì rau đã già và sẽ làm giảm hương vị khi chế biến.
- Rau non có ít bông sẽ ngon và giòn hơn rau già đã có nhiều bông.
- Nếu làm món gỏi thì nên lựa rau càng non càng tốt, vì như thế rau sẽ giữ được độ giòn và mùi sẽ thơm hơn.
Xem thêm: Rau cho bà bầu: Loại rau nào tốt nhất khi mang thai?
Những ai không nên ăn?
Cũng như các loại thực phẩm khác, rau càng cua sẽ không thích hợp sử dụng cho một số đối tượng sau:
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú: Trong rau càng cua có chứa chất prostaglandin tổng hợp, là một loại axit béo không tốt cho sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu nên tránh sử dụng loại thực phẩm này trong thời gian mang thai và cho con bú.
- Người bị hen suyễn: Mùi vị của rau có thể gây ra những triệu chứng không mong muốn cho bệnh nhân hen suyễn hoặc đã có tiền sử mắc bệnh.
- Người bị sỏi thận và người bị tiêu chảy: Rau có tính mát nên người bị sỏi thận hay bị tiêu chảy ăn nhiều loại rau này có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.
Những câu hỏi liên quan
Sử dụng rau càng cua có những rủi ro nào?
Dù tự sinh trưởng và mọc hoang dại nhưng rau càng cua lại là thực phẩm khá lành tính, có thể chế biến chung với hầu hết các nguyên liệu khác. Ngoài những công dụng đã nêu thì chưa có nghiên cứu chứng minh rau càng cua tiềm ẩn những nguy hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, loại rau này lại không phù hợp cho một số đối tượng như đã đề cập ở phần trên. Vì vậy, bạn cần lưu ý điều này khi sử dụng để tránh gây ra những tác hại không mong muốn.
Bông rau càng cua có thể ăn được không?
Bông rau không gây hại nhưng cũng không mang lại những lợi ích đáng kể cho sức khỏe. Tuy nhiên, về phần chế biến, bông của cây càng cua lại ảnh hưởng đến hương vị của món ăn, thậm chí gây khó chịu cho người thưởng thức. Vì vậy, bạn có thể ngắt đi phần bông khi sơ chế để đảm bảo món ăn được thơm ngon, tròn vị hơn.
Mong rằng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những công dụng tuyệt vời của rau càng cua. Cách làm các món ăn từ loại rau này rất đơn giản nên đừng ngại vào bếp và trổ tài cho gia đình nhỏ của mình nhé.
Tham khảo thêm
- 10 loại thực phẩm mẹ cần tránh hoặc hạn chế sử dụng khi mang thai
- Thực phẩm cần tránh sau sinh: Tư vấn chi tiết từ chuyên gia
- Loại bỏ độc tố trong cơ thể trước khi mang thai
- Ăn gì để vào con không vào mẹ? Chuyên gia tư vấn
- Mẹ nên ăn gì sau sinh để sữa nhanh về, cải thiện chất lượng sữa?