Trong tháng thứ 9, thai nhi đã phát triển ra sao? Cơ thể mẹ có những thay đổi gì? Phương pháp thai giáo tháng…
Cuối cùng khoảnh khắc quan trọng cũng đã đến, thời gian đón “con yêu” chào đời chỉ đếm từng ngày nữa thôi mẹ à. Chắc hẳn lúc này mẹ đang háo hức, nôn nóng nhưng cũng không khỏi bồn chồn, lo lắng phải không? Việc cần làm bây giờ mẹ nên bình tĩnh, cứ cho mọi việc xuôi theo tự nhiên, đừng quên chăm sóc sức khỏe thật tốt để em bé chào đời khỏe mạnh mẹ nhé!
Mẹ hãy cùng iPREG kiểm tra tình hình phát triển của con yêu khi mang thai tháng thứ 9 như thế nào qua bài viết dưới đây nhé.
Chịu trách nhiệm nội dung: Dr. Trần Thành Nam
ThS – Bác sĩ Trần Thành Nam hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội. Tốt nghiệp Đại Học Y Hà Nội năm 2014, lấy hàm Thạc Sĩ năm 2016, công tác tại Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội từ năm 2016. Năm 2018, Bác sĩ Trần Thành Nam cộng tác cùng iPREG nhằm mang tới bạn đọc những thông tin y khoa chính xác nhất.
Xem lại: Mang thai tháng thứ 8: Cẩn trọng khi mẹ bị rỉ ối liên tục
Sự phát triển của thai nhi trong tháng thứ 9
Thai nhi trong bụng mẹ đã hình thành hoàn chỉnh và ra dáng vẻ một em bé chững chạc. Không ít lâu nữa thôi em sẽ chào đời với niềm hân hoan của cả gia đình.
Tuần thứ 33
Thai nhi lúc này nặng được khoảng 2kg, dài chừng 45cm rồi các mẹ ạ! Tốc độ phát triển khá nhanh. Hiện tại làn da bé đã hồng hào hơn trước, mô mỡ dưới da cũng tăng đáng kể làm bé trông kháu khỉnh, bụ bẫm rất nhiều.
Phần hộp sọ tuy đã phát triển đầy đủ nhưng vẫn còn mềm, chúng hơi chồng lên nhau. Điều này nhằm tạo điều kiện cho bé con chui ra khỏi người mẹ dễ dàng hơn. Mai sau khi chào đời, hộp sọ vẫn sẽ tiếp tục hoàn thiện từng ngày đến khi bé trưởng thành. Mẹ lưu ý bổ sung đủ dưỡng chất cần thiết, góp phần giúp não phát huy được hết trọng trách của mình.
Xem thêm: Mẹ bầu ăn gì để con thông minh, xinh đẹp ngay từ trong bụng?
Cơ quan sinh sản của bé ở tháng này phát triển khá hoàn chỉnh, môi âm đạo đã xuất hiện rõ ràng ở bé gái, tinh hoàn ở bé trai thì từ khoang bụng hạ xuống bao tinh hoàn. Tóc bé mọc rậm hơn trước nhiều, có đôi khi bé đã chui xuống khung chậu mẹ để chờ ngày được ra ngoài.
Tuần thứ 34
Ở thời điểm này “bé cưng” đã ý thức được vai trò mới của mình và đang rất sẵn sàng tiến vào khung chậu. Đầu bé đã chuyển ngôi và xoay người xuống phía mẹ. Lúc này bé ngủ nhiều hơn trước, do cơ quan não bộ đang sinh trưởng với tốc độ liên tục nhanh chóng.
Bé đã tăng thêm 300g, bây giờ cân nặng chừng 2,3kg, lớp mỡ dưới da đã bao bọc khắp thân nhằm bảo vệ thân nhiệt sau khi bé chào đời. Giai đoạn này mẹ sẽ ít bị quấy phá hơn, do cơ thể bé đã chiếm hết không gian bên trong tử cung. Khi cảm thấy sự im ắng bất thường mẹ có thể nghĩ đến quá trình “vượt cạn” đang cận kề.
Tuần thứ 35
Khoảng tuần này cân nặng bé khoảng 2,4kg, dài được 44cm, cơ thể khá tròn trịa đáng yêu. Nếu nhìn vào kết quả siêu âm mẹ sẽ thấy con không khác gì mấy lúc chào đời. Hệ thần kinh bé đang hoàn thiện nhanh chóng, gan cũng bắt đầu làm việc, chất béo trong cơ thể gia tăng, hai lá phổi phát triển đầy đủ sẵn sàng cho nhiệm vụ hô hấp khi bé chào đời.
Những cử động của bé ít dần, không còn nghịch ngợm với mẹ như trước nữa, giờ đây “bé con” chỉ nằm im ngoan ngoãn như một con mèo. Mẹ nên chú ý vào những tuần tới tốc độ sinh trưởng của bé tăng nhanh liên tục, do đó chế độ dinh dưỡng hằng ngày mẹ cần đảm bảo đủ chất.
Tuần thứ 36
Mẹ có biết trong tuần này bé nặng được khoảng 2,7kg và dài được gần 50cm rồi đấy. Tốc độ phát triển đáng kinh ngạc mẹ nhỉ. Phổi phát triển hoàn chỉnh, tuy nhiên vẫn chưa hô hấp được ngay lúc này. Lớp lông tơ và chất gây bảo vệ da lúc trước đã hoàn toàn rụng, giờ đây da dẻ bé vô cùng mịn màng, trông thật đáng yêu.
Tuy không còn những “cú đá trời giáng” như trước nữa nhưng thỉnh thoảng vẫn đưa tay mút thoăn thoắt. Khung xương bé chắc chắn hơn rất nhiều. Giờ đây mẹ nên chuẩn bị tâm lý tháng thứ 9 thật tốt bởi con yêu có thể chào đời bất cứ lúc nào.
Mẹ bầu có những thay đổi gì khi mang thai tháng thứ 9?
Hiện tượng sút cân làm mẹ bầu lo lắng
Thông thường càng về sau đồng nghĩa cân nặng mẹ phải càng tăng. Tuy nhiên, một số mẹ bầu xuất hiện tình trạng tăng cân chậm, thậm chí sút cân. Điều này có thể giải thích bởi đa phần dinh dưỡng giai đoạn cuối sẽ được thai nhi hấp thụ. Tình trạng sụt cân có thể do lượng nước ối giảm, khả năng sản sinh nước ối bị hạn chế. Ngoài ra tình trạng mất nước, đổ mồ hôi trộm của mẹ cũng là nguyên nhân chính khiến cân nặng thay đổi.
Hiện tượng này cũng không nghiêm trọng, vì thế mẹ cũng đừng quá căng thẳng. Tuy nhiên mẹ đừng để sụt cân quá nhiều, điều đó gây mất sức và không thể đảm bảo thể trạng tốt cho quá trình sinh nở sắp tới. Mặt khác, mẹ phải uống đủ nước mỗi ngày để duy trì đủ lượng nước ối, tránh tình trạng cơ thể thiếu nước gây mất cân bằng điện giải.
Xem thêm: Rỉ nước ối khi mang thai: Nguyên nhân và cách phòng tránh
Cơn đau nhức gia tăng không ngừng
Mang thai tháng thứ 9, em bé đã bắt đầu tụt xuống vùng xương chậu của mẹ. Hành động đó khiến áp lực lên cơ quan này gia tăng, làm các cơn đau nhức xuất hiện nhiều hơn. Di chuyển lúc này khá nặng nề, dường như mỗi bước đi đều đau nhức.
Hơn nữa, các dây chằng liên tục bị kéo căng nhằm chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Chuột rút cũng tiếp tục làm phiền. Tất cả những cơn đau hành hạ khiến mẹ dường như chỉ nằm một chỗ mà không thể làm bất cứ gì.
Tuy nhiên, bác sĩ sẽ không khuyến khích mẹ nằm ì trong phòng. Mẹ nên di chuyển, tập luyện những bài vận động nhẹ nhàng để tăng cường thể lực. Bước đầu mẹ hãy đi bộ xung quanh cho xương khớp quen dần, sau đó tiếp những động tác khó để nâng cao sức khỏe mẹ nhé.
Mẹ có thể tham khảo chi tiết tại: Bật bí những bài tập vận động cho mẹ bầu vượt cạn thành công
Xuất hiện nhiều cơn chuyển dạ giả gây nhầm lẫn
Cuối tam cá nguyệt thứ 3, các cơn gò giả xuất hiện nhiều hơn làm mẹ nhầm lẫn mình chuẩn bị sắp sinh. Mẹ cần phân biệt rõ giữa 2 dấu hiệu chuyển dạ để không gây khó khăn trong quá trình chuẩn bị.
Cơn chuyển dạ giả
Đa phần những mẹ bầu lần đầu làm mẹ thường đối mặt với cơn gò giả nhiều hơn và cảm thấy cực khó chịu. Cơn gò giả thường xuất hiện ngày vài lần với tần suất từ 30 đến 60 giây, nếu mẹ hay để tay lên bụng thì cơn gò cũng dễ dàng có mặt.
Chuyển dạ giả không làm cổ tử cung mẹ giãn nở, ngược lại nó còn làm cơ quan này trở nên săn chắc. Để làm giảm tình trạng khó chịu do cơn gò gây ra mẹ nên áp dụng các biện pháp sau:
- Tắm nước ấm giúp cơ thể thư giãn, thoái mái hơn.
- Massage nhẹ nhàng sẽ giúp mẹ cảm thấy thư thái, vùng khó chịu giảm rõ rệt.
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động làm việc quá sức.
Xem thêm: Massage bầu: Cách bài tập hiệu quả từ chuyên gia
Cơn chuyển dạ thật
Cơn đau khi chuyển dạ thật có tần suất kéo dài, đau âm ỉ rồi tăng dần mức độ. Mẹ bắt đầu đau lưng, sau đó lan sang vùng bụng rồi phía hai bên bắp đùi. Vùng xương chậu kéo căng rõ rệt, bụng có dấu hiệu sa xuống. Cơn đau không thuyên giảm mà ngày một gia tăng cho dù mẹ có nghỉ ngơi hay làm cách nào. Một số trường hợp còn xuất hiện tình trạng vỡ ối.
Khi có dấu hiệu vỡ ối mẹ nên đến ngay bệnh viện. Tuy sau 24 giờ vỡ ối mới có khả năng sinh nhưng mẹ cần đến đấy để chuyên gia thăm khám kịp thời. Nếu sức khỏe ổn định, chuyên gia y tế sẽ cho mẹ về nhà nghỉ ngơi.
Xem thêm: Dấu hiệu sắp sinh trước 2 ngày chính xác nhất
Tần suất thai máy thay đổi
Mang thai tháng thứ 9, tần suất thai máy của bé giảm dần do trọng lượng đã chiếm hết không gian tử cung. Vì thế “nhóc con” không thể “tung hoành” như trước. Tuy nhiên mẹ cũng cần lưu ý theo dõi tiếng thai máy mỗi ngày để kiểm tra điều bất thường xảy ra. Trong khoảng 18:00 đến 22:00 là lúc bé thai máy chăm chỉ nhất, bởi thế mẹ có thể theo dõi hoạt động của bé lúc này.
Nếu trong 1 giờ, tiếng thai máy không quá 4 lần, mẹ cần theo dõi thêm 1 giờ nữa. Kết quả vẫn thế có lẽ bé đang gặp nguy hiểm, mẹ cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra. Lưu ý nếu trong 24 giờ mẹ không nghe được tiếng thai máy của con, phải di chuyển đến bệnh viện nhanh nhất. Rất có thể bé không còn tim thai hoặc thai đã chết lưu bên trong.
Một số điều cần lưu ý
- Vào tháng cuối thai kỳ bụng mẹ đã quá khổ vì thế cần hạn chế ra ngoài thường xuyên. Không đi du lịch lúc này, đồng thời khi di chuyển phải có người bên cạnh. Cố gắng không sử dụng phương tiện công cộng hoặc lái xe một mình.
- Tháng này mẹ cũng nên kiêng quan hệ. Vì theo nghiên cứu những mẹ bầu “chăn gối” giai đoạn nhạy cảm thường có nguy cơ chuyển dạ sớm gấp 5 lần bình thường.
Xem thêm: Lịch khám thai 3 tháng cuối thai kỳ: Tư vấn từ chuyên gia
Phương pháp thai giáo cho mẹ bầu mang thai tháng thứ 9
Thai giáo với con bằng phương pháp đối thoại
Bước vào tháng cuối, thai nhi đã hoàn chỉnh về khả năng nhận thức, hệ thống thính giác cũng phát triển đầy đủ. Bởi thế chăm chỉ đối thoại cùng con là phương pháp cực kỳ khuyến khích của các chuyên gia thai sản.
Mẹ và bố nên hình thành thói quen đối thoại với con mỗi ngày, trò chuyện những nội dung ngắn, tâm sự với con bằng cái tên thân thuộc. Trong lúc đối thoại bố đừng quên xoa bụng mẹ nhằm giúp con cảm nhận hơi ấm gia đình. Mỗi cái chạm đều đánh thức vào giác quan và thúc đẩy quá trình phát triển trí tuệ cũng như cảm xúc của bé.
Tuy nhiên cần lưu ý, đừng nói chuyện với bé những điều không vui hoặc câu chuyện đối thoại quá dài, khó hiểu. Điều đó sẽ khiến thần kinh bé rối loạn, không tốt cho sự phát triển sau này.
Xem thêm: Nhạc thai giáo và những điều mẹ bầu nên biết để con thông minh
Thai giáo bằng phương pháp ánh sáng
Ngay từ tuần 32 thì mắt bé đã phát triển khá hoàn chỉnh, vì thế bố mẹ cần luyện tập cho cơ quan này được làm việc nhanh nhạy hơn bằng cách thai giáo nhờ ánh sáng. Mẹ có thể dùng ánh sáng mặt trời để chiếu vào bụng, vừa giúp bé yêu hấp thụ được nguồn năng lượng tích cực, lại còn kích thích bé phản xạ tốt với ánh sáng tự nhiên.
Thai giáo bằng phương pháp liên tưởng
Phương pháp này khá hay vì có thể kết nối được suy nghĩ của mẹ đến em bé trong bụng. Mẹ bầu bắt đầu liên tưởng đến một sự việc, hiện tượng hoặc ý nghĩa của một bài hát. Những ý nghĩ tốt đẹp của mẹ bắt đầu được lan truyền vào tư duy của bé, từ đó thúc đẩy tâm hồn, phát triển trí não một cách tốt nhất.
Điều mẹ cần làm là lưu giữ trí tưởng tượng từ những bức tranh sinh động, quyển sách ý nghĩa hoặc những điều tốt đẹp, để từ đó nguồn dữ liệu có ích được phát huy hết công dụng truyền đến tâm hồn bé bỏng của “thiên thần nhỏ”.
Xem chi tiết: Thai giáo 3 tháng cuối: Bước ngoặt lớn cho sự chào đời của bé
Khi mang thai tháng thứ 9, mẹ bầu đã đồng hành cùng con gần hết chặng đường. Giờ đây “quả ngọt” chỉ còn không lâu nữa sẽ đến bên vòng tay của bố mẹ. Điều quan trọng lúc này mẹ phải hết sức cẩn thận trong đi đứng sinh hoạt. Song song đó, để ý chi tiết đến từng thay đổi nhỏ trong cơ thể để có cách xử lý kịp thời.
Hơn hết bố mẹ nhớ chăm chỉ thai giáo cùng con thường xuyên, bởi lúc này bé sẽ cảm nhận rõ được những điều bố mẹ truyền đạt. Sự chăm sóc của gia đình sẽ giúp bé nhạy bén, nhanh nhạy, không còn cảm giác lạ lẫm khi chào đời.
Mẹ có thể tham khảo
- Dinh dưỡng khoa học nhất cho mẹ bầu mang thai tháng thứ 9
- Những bất thường có thể xảy ra trong tháng thứ 9 thai kỳ
- Mang thai tháng thứ 10: Chuẩn bị sinh nở cận kề
- 9 dấu hiệu chuyển dạ thường gặp và những lưu ý cho mẹ bầu
- Kiêng cữ sau sinh mổ và sinh thường: Mẹ cần lưu ý những gì?