Tháng thứ 4 thai kì, thai nhi đã phát triển như thế nào? Cơ thể mẹ có những thay đổi gì? Mẹ cùng đọc…
Khi mang thai tháng thứ 4, phần lớn thai phụ sẽ không còn bị hành nghén làm phiền. Trong giai đoạn này, thai nhi đã bắt đầu sử dụng dinh dưỡng từ mẹ, do đó bé có sự phát triển rất nhanh.
Không chỉ có thai nhi, sản phụ cũng bắt đầu có sự thay đổi nhanh chóng. Bụng to hơn hẳn, khí hư ra nhiều hơn, kèm với đó là sự xuất hiện của rất nhiều triệu chứng khó chịu tháng thứ 4. Để hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của bé, sự thay đổi ở mẹ. Hãy cùng iPREG theo dõi đến hết bài viết.
Cố vấn nội dung: Dr. Trần Thành Nam
ThS – Bác sĩ Trần Thành Nam hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội. Tốt nghiệp Đại Học Y Hà Nội năm 2014, lấy hàm Thạc Sĩ năm 2016, công tác tại Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội từ năm 2016. Năm 2018, Bác sĩ Trần Thành Nam cộng tác cùng iPREG nhằm mang tới bạn đọc những thông tin y khoa chính xác nhất.
Quá trình phát triển của thai nhi tháng thứ 4
Mẹ bầu thật giỏi! Đã đồng hành cùng con được 3 tháng rồi cơ đấy! Mang thai tháng thứ 4, cơ thể mẹ đã quen dần với sự xuất hiện của “mầm sống” bên trong, triệu chứng ốm nghén cũng thuyên giảm phần nào. Bên cạnh đó, thai nhi liên tục phát triển không ngừng để chuẩn bị cho hành trình chào đời sắp tới.
Mẹ có thể theo dõi bài viết: Bảng cân nặng thai nhi để có thông tin đối chiếu nhằm nắm bắt được tình trạng phát triển của bé.
Tuần thứ 13
Mẹ bầu sẽ khá ngạc nhiên, thậm chí bật cười vì nhìn thấy hình ảnh nhăn mày, nheo mắt của “bé cưng” trong kết quả siêu âm. Chắc là đang bực dọc ai nên mới hành động thế này cơ chứ.
Con đã to bằng một nắm tay, đặt vừa bên trong trái táo. Mắt đã xuất hiện, khoảng cách hai mắt dần thu nhỏ lại, tai cũng di chuyển đúng vị trí hơn. Thai nhi liên tục phát triển không ngừng và vẫn đều đặn nhận lấy dinh dưỡng thông qua cuống rốn liên kết giữa mẹ và bé.
Tuần thứ 14
Tốc độ phát triển nhanh chóng đến không ngờ. Cái cổ xinh xinh dần hình thành, đầu được dựng thẳng không còn phải cuối mặt vào ngực như trước nữa. Ngón tay, chân đã hoàn thiện đầy đủ, xuất hiện thêm cả vân tay nữa cơ.
Thật lạ kỳ! Em đã biết phối hợp sức mạnh và trí não của mình thông qua hành động mút tay. Chắc chắn mẹ bầu sẽ thấy được hình ảnh này thông qua kết quả siêu âm. Mỗi ngày thai nhi đều cử động, đều đặn duỗi, đạp nhưng có lẽ mẹ vẫn chưa cảm nhận được. Các mẹ sẽ nhận thấy rõ hơn ở những tuần tiếp theo.
Vào tuần này, mẹ có thể biết được giới tính của con qua siêu âm hoặc thao khảo chi tiết bài viết: Xem rốn đoán sinh con trai hay con gái chính xác.
Tuần thứ 15
Lúc này thai nhi đã dài được 12cm, nặng khoảng 60g rồi đấy mẹ ạ. Các bộ phận bên trong đã hình thành đầy đủ, cơ quan sinh sản cũng dần hoàn thiện. Bé trai bắt đầu xuất hiện tuyến tiền liệt, buồng trứng sẽ hình thành và di chuyển đến khung xương chậu nếu là bé gái. Giờ đây mẹ có thể xác định giới tính thai nhi qua kết quả siêu âm. Nhưng dù trai hay gái vẫn là “thiên thần” nhỏ do mình tạo ra nhé mẹ.
Cuối tuần 15 cánh tay của bé sẽ dài hơn, cân đối với các bộ phận trên cơ thể. Lông tơ mọc đều để giữ ấm, tóc dần phủ kín khắp cả đầu. Mẹ sẽ thích thú khi thấy được hình ảnh “bé yêu” đang cho tay vào miệng và mút thoăn thoắt. Những động tác cử động cùng những cái chau mày, không làm mẹ khỏi phì cười.
Tuần thứ 16
Thai nhi có bước phát triển ngoạn mục, kích thước đã dài đến 16cm, nặng khoảng 100g. Hệ thống khung xương đang cần rất nhiều canxi để tiếp tục hoàn thiện giúp bé đứng thẳng. Cơ thể bé trở nên cao khỏe hơn, các cử động liên tục ngày một nhiều, mẹ sẽ cảm nhận rõ rệt qua ít tuần nữa thôi.
Em bé lúc này trông thật đáng yêu! Khuôn mặt đã hoàn thiện đủ các bộ phận, đôi mắt biết chớp lại còn nhìn qua nhìn lại nữa cơ. Lúc này xúc giác bé vô cùng nhạy cảm, em có thể cảm nhận từ cái chạm nhẹ của mẹ và lắng nghe được những âm thanh của thế giới bên ngoài.
Xem thêm: Lịch khám thai đầy đủ ba tháng giữa thai kỳ
Sự biến đổi bên trong cơ thể mẹ bầu
Song song với sự phát triển của em bé trong bụng, cơ thể mẹ bầu dần xuất hiện nhiều triệu chứng khó chịu hơn khi mang thai tháng thứ 4.
Chảy nước mũi
Các mẹ sẽ khá lo lắng, đôi khi lầm tưởng mình bị sốt vì liên tục hắt hơi, cùng sự xuất hiện của nhiều dịch mũi. Nhưng mẹ đừng quá hoảng loạn, điều này là vấn đề bình thường. Nguyên do các tĩnh mạch căng lên, làm hệ thống mũi có sự tắc nghẽn.
Ngoài dấu hiệu chảy nước mũi, thỉnh thoảng mẹ bầu còn bắt gặp hiện tượng chảy máu cam. Tất cả đều là triệu chứng bình thường, chỉ cần nghỉ ngơi sẽ ổn. Nếu tình trạng kéo dài làm ảnh hưởng cuộc sống, mẹ bầu nên nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa nhé!
Ngực to hơn
Tháng thứ 4 này, mẹ bầu sẽ cảm nhận rõ vòng 1 có sự thay đổi nhanh chóng. Vùng ngực căng tức hơn, quầng thâm sậm màu, cảm giác đau nhức, vô cùng nhạy cảm. Có lẽ, lúc này mẹ bầu nên sắm những bộ áo mới, chiếc áo ngực cũ không còn thích hợp nữa rồi. Lưu ý nên chọn áo ngực mềm mại, có độ thấm hút tốt để mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn.
Cơ thể luôn nóng bức
Vào tháng thứ 4 mang thai, em bé đang phát triển nhanh chóng, thân nhiệt mẹ bầu lúc nào cũng nóng bức. Tuần hoàn lưu thông máu đang diễn ra liên tục, nhằm cung cấp oxy cho con. Chính nguyên do ấy làm mẹ bầu có cảm giác nóng hơn bình thường, cho dù ở điều kiện môi trường mát lạnh.
Tuy nhiên, đừng vì thế mà mẹ bầu tăng nhiệt độ phòng quá cao và làm lạnh cơ thể bằng mọi cách nhé! Hành động ấy sẽ không được khuyến khích, vì có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Gợi ý giúp mẹ, nên mở thông thoáng các cửa sổ xung quanh nhà cho gió tự nhiên lùa vào. Đồng thời bổ sung những thực phẩm làm mát cơ thể, nhằm hạn chế tình trạng nóng trong người.
Xem thêm: Bà bầu uống nước dừa: Những lợi ích, công dụng và lưu ý
Dịch âm đạo ngày một nhiều
Theo thống kê của các mẹ bầu trước, có hơn 60% trường hợp dịch âm đạo tiết ra nhiều khi mang thai tháng thứ 4. Lúc này khung xương chậu và thành tử cung trở nên mềm hơn. Vì thế dịch âm đạo tiết ra để cản trở vi khuẩn có hại xâm nhập vào trong, làm tổn thương đến vùng tử cung.
Tuy nhiên nếu tình trạng dịch tiết ở âm đạo có màu bất thường như nâu sẫm, hồng, mẹ bầu cần theo dõi ngay. Có thể đó là tình trạng xuất huyết và thai nhi trong bụng đang gặp vấn đề.
Xem thêm: Rỉ nước ối khi mang thai: Nguyên nhân và cách phòng tránh
Móng tay và tóc yếu hơn
Khoảng thời gian này nội tiết trong cơ thể thay đổi, lượng estrogen và progesterone ngày một tăng nhanh khiến tóc, móng tay dễ gãy rụng. Tuy nhiên những mẹ thiếu chất dinh dưỡng hoặc do di truyền, thì vẫn có khả năng xảy ra tình trạng trên.
Các chuyên gia khuyên rằng, mẹ bầu nên bổ sung nhiều protein, cùng các vitamin vào khẩu phần ăn hằng ngày. Đồng thời nên chải đầu bằng lược thưa, khi gội cần ủ tóc bằng dầu dừa hoặc olive để tăng độ ẩm, không buộc tóc quá chặt. Vận dụng những phương pháp đó, phần nào giúp tình trạng rụng tóc được đẩy lùi.
Hai bên hông đau nhói
Mẹ bầu sẽ nhận thấy cảm giác này khi mang thai tháng thứ 4 trở đi, nguyên do các dây chằng cùng cơ bụng căng to ra. Nếu tình trạng này thường xuyên lặp đi lặp lại, mẹ bầu nên dành thời gian nghỉ ngơi. Hạn chế đứng lâu, liên tục làm triệu chứng đau nhức trở nên trầm trọng hơn.
Xem thêm: Bà bầu đau thần kinh tọa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả
Thường chảy máu răng
Hầu hết 50% phụ nữ mang thai phải đối mặt với tình trạng nướu răng sưng tấy, chảy máu chân răng. Nguyên do các hormone thai kỳ biến đổi, làm nướu răng trở nên nhạy cảm, các vi khuẩn dễ dàng bám vào gây tổn thương.
Ngoài ra, những mẹ bầu thèm ngọt khi mang thai (một dấu hiệu sinh con gái dân gian phổ biến [*]), ăn rất nhiều những loại bánh kẹo nhưng không vệ sinh kỹ, cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Cách giải quyết
Đa số khi chảy máu răng, các mẹ khá e dè trong việc vệ sinh, vì sợ đau nhức và làm tình trạng tồi tệ hơn. Tuy nhiên đó là suy nghĩ sai lầm, thường xuyên vệ sinh răng miệng chính là cách đẩy lùi tình trạng viêm, chảy máu chân răng.
Mẹ bầu cũng nên thay mới loại bàn chảy đánh răng thường ngày. Thay vào đó là dụng cụng vệ sinh răng với lông tơ mềm mại, lựa chọn kem đánh răng chuyên dụng. Đừng quên thêm vào một lọ nước súc miệng với công dụng diệt khuẩn sẽ giúp giảm sưng tấy chỗ đau.
Một điều đặc biệt lưu ý, mẹ bầu cần hạn chế ăn nhiều bánh kẹo ngọt. Sau khi ăn đồ ngọt cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đừng quên đánh răng sau mỗi buổi ăn.
Lưu ý
Chưa có kết luận nào đưa ra chảy máu răng là triệu chứng nguy hiểm gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng hôi miệng, sâu răng gây mất thẩm mỹ cho mẹ bầu. Vì vậy hãy vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày mẹ nhé!
Tháng thứ 4 này bụng bầu đã to chưa?
Cùng với sự xuất hiện của những triệu chứng mới, nỗi băn khoăn về kích thước bụng bầu cũng là những thắc mắc thường gặp của nhiều mẹ.
Tuy nhiên kích thước to hay nhỏ của vòng 2 là điều bình thường và không giống nhau ở từng người. Điều đó sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của “bé yêu” trong bụng, nên mẹ đừng quá lo lắng.
Tùy theo cơ địa mỗi người mà sự phát triển vòng bụng cũng khác nhau. Ví dụ những mẹ có dáng người thấp, tròn thì có thể tháng thứ 4 đã hiện rõ bụng. Ngược lại các mẹ có tướng người cao ráo, mảnh khảnh vẫn chưa lộ rõ bụng bầu, thậm chí nhìn vào vẫn chưa phát hiện mang thai.
Thông thường mỗi tháng mang thai, mẹ bầu sẽ tăng khoảng 2 đến 5kg. Kích thước vòng 2 cũng thay đổi theo từ 2,5cm đến 4,5cm, vẫn có trường hợp tăng nhiều hơn hoặc ít hơn. Do đó sự thay đổi kích thước bụng bầu không phải là tiêu chuẩn để đánh giá sự phát triển của thai nhi trong bụng, mẹ bầu đừng quá bận tâm đến vấn đề này mà ảnh hưởng đến tâm lý.
Lời khuyên cho mẹ bầu tháng thứ 4
Chế độ dinh dưỡng
Mang thai tháng thứ 4, tình trạng ốm nghén đã thuyên giảm phần nào, mẹ bầu có thể thoải mái ăn những món yêu thích. Các lưu ý về chế độ dinh dưỡng tháng thứ 4 gồm:
- Ăn đủ 3 bữa trong ngày, cân đối phù hợp các bữa chính xen kẽ những bữa phụ.
- Nước là thức uống không thể thiếu, hỗ trợ vào quá trình trao đổi chất. Do đó mẹ bầu cần bổ sung nước liên tục, đáp ứng đủ 3 lít mỗi ngày.
- Tuy tình trạng nôn ói đã giảm, nhưng không vì thế mà mẹ bầu ăn vô tội vạ, nếu ăn không kiểm soát dễ gây tăng cân quá mức.
- Điều quan trọng nhất là chọn thực phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không tiêm thuốc kích thích tăng trưởng.
Tìm hiểu: Mẹ bầu ăn gì giúp con thông minh, xinh đẹp ngay từ trong bụng?
Chế độ sinh hoạt
- Nguy cơ sảy thai đã giảm, vì thế mẹ nên thường xuyên vận động, tập luyện các bài yoga, kegel để hỗ trợ quá trình “vượt cạn” sau này.
- Vòng 2 có sự thay đổi, mẹ bầu cần chọn những bộ trang phục rộng rãi, thoải mái để thuận tiện cho việc sinh hoạt.
- Không thức khuya, sử dụng các loại chất kích thích. Dù bé đã hoàn thiện đầy đủ, nhưng các chất độc hại vẫn tổn thương đến hệ thần kinh ở trẻ.
- Thai nhi đã cảm nhận được âm thanh bên ngoài, mẹ bầu nhớ thường xuyên trò chuyện, cho bé nghe nhạc, góp phần giúp trí não “bé cưng” hoạt động tốt hơn.
Cảm nhận được “mầm sống” trong bụng đang lớn lên từng ngày là niềm hạnh phúc không thể nào diễn tả được của những bậc cha mẹ. Nhìn thấy con yêu ngày ngày khôn lớn là động lực để bố mẹ sống và làm việc chăm chỉ hơn. Vì thế các ông bố hãy chăm sóc vợ mình thật chu đáo, để “mong ước” lớn nhất đời mình chào đời một cách vẹn tròn.
[*] Đây là dấu hiệu sinh con gái theo dân gian, chỉ có tính chất tham khảo.
Mẹ có thể tham khảo
- Sự phát triển của thai nhi ở tháng thứ 5 thai kì
- Cẩm nang mang thai tháng thứ năm
- Tháng thứ 4 thai kỳ tâm lý mẹ bất ổn phải làm sao?
- Chăm sóc cuộc sống từ những điều nhỏ nhặt cho mẹ tháng thứ 4
- Thai giáo 3 tháng giữa: Kích thích trí não trẻ phát triển toàn diện