Khi nào mẹ nên đi làm lại sau khi sinh? Mẹ, bé và gia đình cần chuẩn bị gì khi mẹ đi làm lại?…
Khi nào mẹ nên đi làm lại là nỗi băn khoăn của rất nhiều chị em phụ nữ hiện nay, bởi rất khó để cân bằng giữa sự nghiệp và việc chăm sóc bé. Làm thế nào để các mẹ yên tâm quay trở lại công việc? Liệu thời điểm đi làm lại của mẹ sinh thường và sinh mổ có giống nhau? Bài viết tổng hợp của iPREG dưới đây sẽ giải đáp mọi thắc mắc cho bạn.
Xem thêm: Sau sinh bao lâu thì có kinh lại? Chuyên gia giải đáp
Khi nào mẹ nên đi làm lại là thích hợp?
Thời gian tối thiểu để bình phục cho mẹ quay lại công việc
Khi nào mẹ nên đi làm lại là hợp lý? Còn tùy vào cơ địa và thể trạng của mỗi người mà thời gian phục hồi sức khỏe sau sinh là không giống nhau. Thời gian này có thể kéo dài khi mẹ gặp những biến chứng khác sau khi sinh thường lẫn sinh mổ.
Tuy nhiên, đa số chị em phụ nữ sau sinh khoảng 6 tuần là có thể quay lại công việc bình thường. Một số trường hợp khác, thời gian hồi phục có thể ngắn hơn là khoảng 3 tuần. Như vậy, thời gian tối thiểu để người mẹ lấy lại sức khỏe và tinh thần sau khi sinh là từ 3 – 6 tuần. Vào khoảng thời gian này mẹ có thể cân nhắc việc đi làm lại.
Mặc dù có thể quay trở lại làm việc nhưng cơ thể và tinh thần của mẹ trong giai đoạn này có thể nói là chưa bình phục hoàn toàn. Vì vậy, để tránh phát sinh những vấn đề sức khỏe ngoài ý muốn mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định có nên đi làm lại hay không.
Thời gian tối thiểu từ 3 – 6 tuần không được khuyến khích cho mẹ đẻ mổ bởi vết khâu cần thời gian lâu hơn để hồi phục. Cơ thể mẹ cũng suy giảm nhiều hơn so với mẹ sinh thường. Trường hợp mẹ dị ứng với chỉ khâu thì thời gian lại càng kéo dài hơn.
Thời gian tốt nhất để bình phục hoàn toàn cho mẹ quay lại công việc
Khi nào mẹ nên đi làm lại là tốt nhất? Các bác sĩ khoa sản khuyến cáo sau đủ 6 tháng thì sức khỏe của mẹ mới hoàn toàn bình phục cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, quay trở lại công việc sau khoảng thời gian này là tốt nhất cho sức khỏe của mẹ. khi đó, công việc cũng có thể sẽ đạt hiệu suất cao hơn. Luật hiện hành cũng quy định thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ cũng là 6 tháng.
Theo một số nghiên cứu, việc quay lại công việc nhanh chóng khi chưa chuẩn bị tốt về tinh thần khiến phụ nữ có nguy cơ cao mắc các bệnh trầm cảm. Ngoài ra, cơ thể mẹ sau sinh cũng có rất nhiều thay đổi nên mẹ cần thời gian để thích ứng với sự thay đổi đột ngột đó. Như vậy, để lựa chọn thời điểm thích hợp đi làm lại các mẹ cần phải lắng nghe cơ thể của mình.
Xem thêm: Bảo hiểm thai sản loại nào tốt mẹ bầu đã biết chưa?
Việc quay trở lại làm việc sẽ thật đơn giản nếu mẹ chuẩn bị kỹ càng về mặt tinh thần cũng như sức khỏe cho mình, cho bé và các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là bố. Công việc sẽ đạt chất lượng cao hơn nếu mẹ yên tâm về mọi sự chuẩn bị của mình.
Chuẩn bị cho trẻ
Chuẩn bị cho trẻ về tinh thần
Theo kinh nghiệm của mẹ đi làm sau sinh, chuẩn bị tinh thần cho trẻ ngay từ đầu sẽ giúp xác định tốt hơn khi nào mẹ nên đi làm lại. Ngay từ khi về nhà, không nên vì quá thương con mà mẹ chỉ để bản thân chăm sóc hay ẵm bồng trẻ. Như vậy, trẻ chỉ quen hơi mẹ và rất dễ quấy khóc nếu được người khác ẵm bồng. Duy trì thói quen này sẽ khiến mẹ rất khó quay lại công việc vì xót con.
Giải pháp là mẹ nên cho bé làm quen với sự ẵm bồng và chăm sóc từ những thành viên khác trong gia đình. Thỉnh thoảng mẹ nên đi vắng hoặc tách bé ra một thời gian ngắn mỗi ngày để bé quen dần với việc không có mẹ. Khi bé trở nên thân thiết với người trông giữ bé như ông bà thì mẹ cũng sẽ yên tâm để quay lại công việc hơn.
Xem thêm: Phương pháp E.A.S.Y là gì? Áp dụng cho con liệu có khả thi?
Chuẩn bị cho trẻ về dinh dưỡng
Khi nào mẹ nên đi làm lại còn phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị dinh dưỡng cho bé. Công việc bận rộn sẽ khiến mẹ không thể dành nhiều thời gian cho trẻ bú sữa. Trong khi, các bác sĩ hàng đầu khuyến cáo rằng trong 6 tháng đầu đời nên cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ vì đây là nguồn dinh dưỡng tốt nhất.
Vậy làm thế nào để mẹ vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ trẻ vừa lớn lên khỏe mạnh? Mẹ cần thực hiện một số công việc như sau:
- Tập cho trẻ bú bình là ưu tiên hàng đầu. Nên tạo cho trẻ thói quen này từ 15 ngày đến 1 tháng trước khi mẹ đi làm.
- Sử dụng máy hút sữa để có thể lấy sữa dự trữ cho bé ngay cả khi ở chỗ làm. Hiện nay có rất nhiều máy hút sữa tích hợp nhiều tính năng ưu việt giúp mẹ có thể lấy sữa mọi lúc mọi nơi.
- Chỉ cần bảo quản sữa đúng cách thì dù mẹ ở xa bé vẫn có thể bú sữa đúng giờ. Như vậy, mẹ có thể an tâm làm việc, bé vẫn được cung cấp đầy đủ dưỡng chất.
- Nếu mẹ nghỉ thai sản 6 tháng thì khi bé được 4 – 5 tháng tuổi cần cho bé làm quen với việc ăn dặm bằng bột hoặc các thức ăn nghiền nhuyễn.
Xem thêm: Sữa công thức cho trẻ sơ sinh: So sánh 6 thương hiệu nổi bật
Chuẩn bị cho mẹ
Chuẩn bị cho mẹ về tinh thần
Một trong những yếu tố quan trọng hơn cả quyết định khi nào mẹ nên đi làm chính là việc mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý.
Trước khi trở lại công việc
Sau khi nghỉ thai sản đi làm lại, mẹ cần chuẩn bị thật tốt về mặt tinh thần. Việc giảm hormone đột ngột và tình trạng chăm con căng thẳng kéo dài rất dễ khiến mẹ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, nặng hơn có thể rơi vào trầm cảm. Nếu cảm thấy mình có những dấu hiệu của sự mệt mỏi, chán chường hay tâm lý tiêu cực mẹ hãy chia sẻ với người thân bạn bè hoặc tìm đến sự tư vấn của bác sĩ tâm lý.
Sau khoảng thời gian nghỉ sinh cũng có rất nhiều sự thay đổi ở chỗ làm mà mẹ có thể không biết. Cập nhật thông tin về tình hình nơi làm việc, về các dự án, nhiệm vụ sắp đến cũng là cách hiệu quả để mẹ không phải bỡ ngỡ khi quay lại làm việc ngay sau đó.
Xem thêm: Sinh mổ bao lâu thì quan hệ được? Thời gian quan hệ lý tưởng
Khi đã bắt đầu đi làm lại
Sau sinh vóc dáng của chị em thường không mấy thon gọn nên dễ khiến các mẹ trở nên tự ti. Vì vậy để tạo phong thái tự tin các mẹ nên chăm chút bản thân nhiều hơn, lựa chọn trang phục phù hợp với vóc dáng hơn. Đồng thời mẹ không nên quá lo lắng cho bé mà hãy tập trung vào công việc để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Các mẹ cũng nên tìm đến sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, san sẻ gánh nặng công việc để không quá tạo áp lực cho bản thân. Dù cường độ công việc cao cũng nên dành chút thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
Chuẩn bị cho mẹ về thể chất
Dù đã sẵn sàng về tinh thần nhưng khi nào mẹ nên đi làm lại vẫn nên được cân nhắc cẩn thận nếu thể chất của mẹ vẫn chưa thật đảm bảo. Làm thế nào để cơ thể phục hồi nhanh chóng để quay lại công việc? Các mẹ cần kết hợp cân bằng các chế độ sau:
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng quyết định đến hơn 50% sự phục hồi sức khỏe ở người mẹ. Sau sinh các chức năng của cơ thể suy yếu trầm trọng, hệ miễn dịch cũng giảm đi. Vì vậy, chế độ ăn uống đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu (protein, chất béo, vitamin, chất khoáng,…) sẽ giúp mẹ rút ngắn thời gian bình phục, tăng cường sức đề kháng.
Ngay cả khi đi làm mẹ vẫn phải chú ý duy trì chế độ ăn uống hợp lý, không bỏ bữa gây mất sữa, thiếu sữa cho con bú. Xem thêm: Thực đơn giản cân sau sinh: Mẹ hết mỡ thừa, bé khỏe mạnh
Chế độ vận động
Trường hợp mẹ đẻ thường thì sau sinh 2 tháng đã có thể bắt đầu tập thể dục để tăng cường sức khỏe và lấy lại vóc dáng. Tăng dần cường độ tập luyện từ nhẹ nhàng đến mạnh hơn tùy theo khả năng chịu đựng của mỗi người.
Trường hợp mẹ đẻ mổ thì sau sinh cần vận động nhẹ nhàng tránh làm rách vết mổ. Sau 6 tuần đầu, mẹ có thể tập luyện với những bài tập đơn giản kết hợp đi bộ để cải thiện sức khỏe. Sau khoảng 4 tháng thì mẹ mới được vận động mạnh hơn. Tuy nhiên những động tác căng cơ bụng hoặc có cường độ quá cao sẽ ảnh hưởng đến vết mổ nên các mẹ cần phải lưu ý.
Cả hai trường hợp các mẹ chỉ nên tập luyện từ 10 – 20 phút mỗi ngày. Nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường như chóng mặt, buồn nôn, khó thở thì phải ngừng tập và gặp ngay bác sĩ.
Xem thêm: Làm đẹp sau sinh: Bí quyết giúp mẹ lấy lại vẻ đẹp thần tốc
Chế độ nghỉ ngơi
Ngoài thời gian cho con bú, ăn uống mẹ không nên làm việc quá nặng hay tham gia việc nhà ngay sau khi sinh. Hãy chia sẻ việc chăm sóc bé với chồng và người thân trong gia đình để có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân. Ngủ đủ giấc cũng sẽ giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn, tinh thần cũng thoải mái hơn. Đối với việc quan hệ tình dục, mẹ nên để từ sau 4 – 6 tuần khi cơ thể đã có sự phục hồi nhất định.
Chuẩn bị sẵn sàng về mặt thể chất sẽ là bàn đạp tốt để mẹ quay lại công việc hiệu quả.
Chuẩn bị cho người thân
Không chỉ chuẩn bị cho trẻ, cho mẹ mà chuẩn bị cho người thân cũng quyết định khi nào mẹ nên đi làm lại. Vì đây là những người sẽ hỗ trợ mẹ rất nhiều trong việc chăm sóc bé khi mẹ đi làm.
- Chuẩn bị cho bố: Người chồng, người cha trong gia đình là người thấu hiểu nhất cho nỗi vất vả của chị em phụ nữ khi sinh con. Vì vậy, đừng ngại ngần chia sẻ công việc gia đình và chăm sóc con với người chồng của mình, nhất là khi gia đình hai bên ở xa, chỉ có hai vợ chồng cạnh nhau. Việc trao đổi thẳng thắn với bố sẽ giúp sắp xếp công việc ổn thỏa hơn đồng thời cũng tạo tâm lý thoải mái cho mẹ quay lại công việc hiệu quả.
- Chuẩn bị cho người thân khác (ông bà, anh chị…): Khi có ông bà hỗ trợ trong việc chăm sóc con mẹ sẽ bớt đi phần nào lo lắng khi quay lại làm việc. Tuy nhiên người lớn tuổi sẽ có một số cách chăm sóc dựa nhiều vào kinh nghiệm dân gian, có thể không còn phù hợp với hiện nay. Vì vậy, mẹ nên phổ biến và hướng dẫn ông bà cách chăm sóc cháu dựa trên khoa học và lời khuyên của các bác sĩ để tránh những sai lầm không đáng có.
Việc xác định khi nào mẹ nên đi làm lại sẽ không khó nếu mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt cho chính mình, cho em bé và cho cả bố. Mẹ đừng cảm thấy có lỗi khi lựa chọn quay trở lại công việc, iPREG tin rằng cả hai bố con đều sẽ hiểu cho nỗi khổ tâm của mẹ và hỗ trợ mẹ quay trở lại công việc hiệu quả nhất.
Mẹ có thể tham khảo
- Trầm cảm sau sinh: Đâu là nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh?
- Trẻ uống sữa công thức đi ngoài màu xanh: Mẹ xử lý thế nào?
- Sữa công thức pha để được bao lâu? Cách bảo quản sữa khoa học
- Chuẩn bị đồ đi sinh: Những vật dụng cần thiết nhất mẹ cần mang theo
- Tư vấn: Giúp bố chăm sóc mẹ sau sinh toàn diện