Để có thai kỳ khỏe mạnh, huyết áp là yếu tố mẹ không được coi nhẹ. Cao huyết áp hay tụt huyết áp sẽ…
Sự thay đổi của huyết áp khi mang thai không phải là trường hợp hiếm gặp. Có nhiều nguyên nhân khiến bà bầu bị cao huyết áp hoặc tụt huyết áp khi mang thai. Tuy nhiên, dù tăng hay giảm thì sự biến đối của huyết áp luôn là mối đe dọa đáng sợ đối với bà bầu. Bởi thế ngăn ngừa và học cách xử lý là việc làm mà mẹ không được bỏ qua. Cùng iPREG tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Chịu trách nhiệm nội dung: Dr. Đặng Thanh Tâm
ThS – Bác sĩ Đặng Thanh Tâm hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh Viện Đa Khoa Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên năm 2017, nhận bằng thạc sĩ sản nhi năm 2019 tại Đại học Y Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, bác sĩ Đặng Thanh Tâm quyết định tham gia làm bác sĩ cố vấn cho iPREG. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.
Xem thêm: Thiếu máu sau sinh: Nguyên nhân và cách bổ sung sắt hiệu quả
Mức huyết áp ổn định cho bà bầu khi mang thai là bao nhiêu?
- Huyết áp ổn định: Từ 110/70 mmHg đến 120/80 mmHg
- Cao huyết áp: Trên 140/90 mmHg
- Tụt huyết áp: Dưới 100/60 mmHg
Người phụ nữ khi mang thai thông thường có mức huyết áp từ 110/70 mmHg đến 120/80 mmHg thì được xem là ổn định. Nếu huyết áp của mẹ trên 140/90 mmHg thì rơi vào tình trạng tăng huyết áp, ngược lại nhỏ hơn mức 100/60 mmHg thì mẹ đối mặt với tụt huyết áp khi mang thai.
Mỗi mẹ bầu nên trang bị cho mình dụng cụ đo huyết áp tại nhà để kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Nếu thấy huyết áp khi mang thai bất ổn, mẹ có thể phát hiện kịp thời. Ngoài ra, trong những lần khám thai định kỳ, bác sĩ vẫn luôn kiểm tra huyết áp bà bầu thường xuyên. Mục đích là biết được tình trạng sức khỏe của sản phụ.
Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ: Dấu hiệu và chế độ ăn khoa học
Cao huyết áp khi mang thai
Tình trạng tăng huyết áp có tỷ lệ mẹ bầu mắc phải nhiều hơn so với tụt huyết áp. Theo nghiên cứu của chuyên gia y tế Hoa Kỳ [*], phụ nữ mang thai ở nước này ngày càng có nhiều trường hợp mắc bệnh. Tại Việt Nam, con số cũng tăng nhanh chóng trong một vài năm trở lại đây.
Tăng huyết áp không phải là vấn đề quá đáng sợ nếu mẹ biết cách kiểm soát. Ngược lại để tình trạng kéo dài và xuất hiện với tần số liên tục. Mẹ có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng thai kỳ nguy hiểm.
Nguyên nhân bà bầu bị tăng huyết áp khi mang thai
- Mẹ bầu tăng cân vượt mức, béo phì là một trong những nguyên nhân hàng đầu dễ dẫn đến tình trạng cao huyết áp.
- Những mẹ có lối sống thiếu khoa học, thường xuyên sử dụng chất kích thích, thức khuya. Đồng thời ít vận động cũng có tỷ lệ cao mắc phải trường hợp này.
- Huyết áp cao còn dễ tìm đến với những mẹ mang đa thai hoặc mang thai khi tuổi đã lớn (ngoài 35 tuổi).
- Mẹ bầu có tiền sử cao huyết áp trước khi mang thai hoặc gia đình đã từng có người bị thì cũng gặp nguy cơ đối mặt với tình trạng này.
Xem thêm: Giải đáp: Độ tuổi lý tưởng nhất để mang thai cho bố mẹ
Những nguy hiểm khi mẹ bầu bị cao huyết áp
Nguy cơ tiền sản giật
Tiền sản giật là một trong những mối đe dọa nguy hiểm mà khi nhắc đến mẹ bầu nào cũng phải lắc đầu ngao ngán. Biến chứng này là tình trạng cao huyết áp vào khoảng tuần 20 của thai kỳ. Lúc này lượng protein có mặt trong nước tiểu, hai tay chân bắt đầu sưng tấy. Nếu đi kèm những cơn co giật mạnh thì mẹ tăng khả năng đối mặt với những tổn thương về thần kinh, thận và não, thậm chí có thể gây tử vong.
Xem thêm: Các biến chứng và cách phòng tránh tiền sản giật hiệu quả
Nhau bong non
Bà bầu bị cao huyết áp cũng khiến thai nhi trong bụng gặp tình trạng nhau bong non. Tức là toàn bộ nhau thai tách ra khỏi tử cung trước khi bé chào đời. Điều đó đồng nghĩa thai nhi sẽ không nhận được dinh dưỡng và oxy từ mẹ. Do vậy mẹ dễ rơi vào trường hợp sinh non hoặc sảy thai khi chưa đủ tháng.
Xem thêm: Sảy thai: Các nguyên nhân sảy thai dễ gặp nhất mẹ cần biết
Hội chứng HELLP
Hellp là hội chứng tăng men gan và tiểu cầu thấp. Đây là hội chứng nguy hiểm và gây rất nhiều khó khăn cho chuyên gia y tế. Bởi nó làm tổn thương mạnh mẽ đến vùng nội tạng. Hơn hết còn đe dọa trực tiếp đến mạng sống của mẹ và bé. Khi bị HELLP mẹ thường gặp những triệu chứng như: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt…lúc này cần đến bệnh viện khẩn cấp mới mong cứu vãn được tình trạng.
Biện pháp phòng ngừa bà bầu bị cao huyết áp
Cao huyết áp dễ dàng phát hiện khi mẹ theo dõi chỉ số huyết áp hằng ngày. Ngoài ra nếu mẹ thấy mình hay chóng mặt, hoa mắt, tay chân sưng phù, chảy máu mũi,… thì nên nghĩ ngay đến căn bệnh này. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa cao huyết áp mẹ cần nằm lòng.
Kiểm soát cân nặng
Béo phì, thừa cân quá mức là nguyên nhân hàng đầu khiến huyết áp tăng. Do đó, mẹ phải chuẩn chỉnh thực đơn hằng ngày không để tăng cân quá nhiều. Mẹ cũng không nên cho nhiều muối vào thức ăn, hạn chế sử dụng dầu mỡ, chất béo có hại. Đồng thời, chia nhỏ khẩu phần ăn và tự động cắt giảm tinh bột, chất béo khi cảm thấy số cân bắt đầu vượt mức.
Duy trì tập thể thao mỗi ngày
Theo kết luận, những mẹ bầu thường xuyên tập luyện thể thao khi mang thai thường có thai kỳ khỏe mạnh hơn so với những mẹ không có thói quen này. Bởi thế từ giờ mẹ hãy dành thời gian khoảng 30 phút mỗi ngày để vận động. Đi bộ, bơi lội hay tập yoga cũng là phương pháp tập luyện bổ ích.
Ăn nhiều thực phẩm giàu magie, kali và tránh sử dụng chất kích thích
Kali là khoáng chất giúp mẹ cân bằng điện giải và hỗ trợ truyền xung thần kinh. Trong khi đó magie lại đóng vai trò kiểm soát huyết áp thai kỳ, đồng thời ngăn ngừa sinh non. Vì thế mẹ nhớ bổ sung kali, magie trong khẩu phần ăn hằng ngày để phòng ngừa tác nhân gây bệnh. Tuyệt đối không đụng đến rượu bia, chất kích thích khi mang thai nếu không muốn rước bệnh vào người.
Xem thêm: Tiết lộ 4 món ăn bổ sung Magie tốt nhất cho mẹ bầu
Tụt huyết áp khi mang thai
Nguyên nhân bà bầu bị tụt huyết áp
Trong thời kỳ thai nghén có lẽ mẹ bầu nào cũng đã từng tụt huyết áp ít nhất một lần. Tại sao tụt huyết áp lại xảy ra phổ biến như vậy? Câu trả lời là khi mang thai, nội tiết progesterone tăng nhanh làm giãn các mạch máu ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu. Ngoài ra mẹ bầu buồn nôn, ốm nghén cũng là nguyên nhân chính xảy ra tình trạng.
Cũng có trường hợp mẹ bầu bị tụt huyết áp do thường xuyên lo âu suy nghĩ. Không bổ sung đủ vitamin B, axit Folic trong khẩu phần ăn hằng ngày. Đồng thời mang song thai hoặc đa thai, trước đó có tiền sử bệnh thì khả năng cao bị tụt huyết áp thai kỳ
Mẹ sẽ dễ dàng biết mình có bị tụt huyết áp không qua những dấu hiệu như: choáng váng, mặt mày xanh xao, đổ mồ hôi, hay bị stress khi mang thai,…
Xem thêm: 10 loại bệnh cần được chữa trị kịp thời trước khi mang thai
Nguy hiểm khi mẹ bầu bị tụt huyết áp
- Nếu mẹ hay gặp phải tình trạng tụt huyết áp em bé trong bụng có nguy cơ thiếu oxy và không đủ máu cung cấp cho các tế bào.
- Một phần nhỏ tụt huyết áp gây nên sự cố mang thai ngoài tử cung, thai chết lưu trong bụng mẹ.
- Đặc biệt nguy hiểm khi mẹ đang leo cầu thang hoặc lái xe, vì mẹ sẽ chóng mặt, mất thăng bằng dẫn đến té ngã. Lúc đó khả năng gặp tai nạn là tương đối cao.
Biện pháp phòng ngừa tụt huyết áp khi mang thai
Chính vì tụt huyết áp vô cùng nguy hiểm nêm mẹ cần phòng tránh rủi ro này.
Điều chỉnh lại chế độ ăn uống
Nếu những mẹ cao huyết áp phải kiêng muối thì mẹ bầu tụt huyết áp cần bổ sung thêm muối vào bữa ăn hằng ngày. Hơn hết mẹ không được bỏ bữa và nên chia thực đơn thành 5 – 6 bữa. Ưu tiên những món giàu vitamin C, vitamin nhóm B và uống đủ 3 lit nước. Mẹ bầu có tiền sử tụt huyết áp nên trang bị bên mình ít bánh, kẹo ngọt để khi thấy chóng mặt là có sử dụng ngay.
Xem thêm: Sắt cho bà bầu: Mỗi ngày mẹ cần bổ sung bao nhiêu thì đủ?
Tránh tự đi xe một mình
Sẽ rất nguy hiểm nếu để mẹ bầu tự lái xe một mình, vì ngoài nguy cơ tụt huyết áp thì mẹ còn gặp nhiều mối lo ngại khác. Hơn thế mẹ bầu cũng nên hạn chế việc di chuyển bằng cầu thang một mình. Tốt nhất nên có người đưa đón và túc trực bên cạnh mỗi khi mẹ ra ngoài.
Không đứng dậy đột ngột
Khi ngủ dậy mẹ nên nằm vài phút, thực hiện những cử động nhẹ để cơ thể thích nghi trước khi bước dậy khỏi giường. Lúc ngồi mẹ cũng hạn chế đứng dậy ngay, tuyệt đối tránh những tư thế thay đổi đột ngột.
Ngoài ra, tắm quá lâu hoặc ngâm mình trong bồn tắm cũng không được chuyên gia khuyến khích, do đó mẹ hãy từ bỏ thói quen này. Lời khuyên cho mẹ nên hạn chế chỗ đông người hoặc tiếp xúc với ánh nắng bởi có thể khiến mẹ thiếu oxy dẫn đến tụt huyết áp.
Tập luyện thể thao
Dù tăng hay giảm huyết áp mẹ đều phải vận động thường xuyên, bởi thể thao được xem là “liều thuốc thần kỳ” trong việc bảo vệ sức khỏe cho mẹ. Việc tập luyện với mức độ cho phép sẽ làm thư giãn huyết áp và giúp mẹ có nguồn năng lượng tràn trề sẵn sàng cho một ngày dài hoạt động.
Thay đổi huyết áp khi mang thai không phải là tình trạng hiếm gặp, tuy nhiên hậu quả của nó đem lại thực sự là mối lo ngại cho nhiều mẹ bầu. Vì thế mẹ hãy cố gắng duy trì huyết áp mình ở mức ổn định, không tăng cũng không giảm. Ngoài ra cũng đừng quên lịch khám thai định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe mẹ nhé!
[*] Nghiên cứu dựa theo kết quả của FDA Hoa Kỳ
Mẹ có thể tham khảo
- Chế độ rèn luyện cơ thể tiền thai kỳ hợp lý
- Các phương pháp giảm đau khi sinh thường và sinh mổ
- Bật bí những bài tập vận động cho mẹ bầu vượt cạn thành công
- Các phương pháp E.A.S.Y 3, 4 cho bé theo từng độ tuổi
- Mất ngủ khi mang thai: Nỗi ám ảnh của hơn 50% bà bầu