Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh hiệu quả ngay trong lần đầu

iPREG hướng dẫn chi tiết cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đơn giản, bé hợp tác ngay từ lần đầu…

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch còn yếu, bé rất dễ mắc các bệnh hô hấp như: viêm họng, cảm cúm, thở khò khè,… Nếu để tình trạng kéo dài, rất dễ khiến con mắc chứng viêm xoang. Và mẹ biết đấy, viêm xoang là căn bệnh khó chữa, gây ra những ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của trẻ. Theo bác sĩ Tâm, ngoài việc điều trị bằng các loại thuốc, bố mẹ cần tìm hiểu cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để kịp thời loại bỏ dịch nhầy giúp bé dễ thở và khỏi bệnh nhanh hơn.

Tuy vậy, không dễ để khiến bé hợp tác trong những lần vệ sinh mũi họng như vậy. Ngoài ra, nếu cách rửa mũi của bố mẹ không chính xác, có thể gây tổn thương niêm mạc, khiến bệnh tình thêm trở nặng. Để giải quyết vấn đề này, mời bạn đọc cùng iPREG tìm hiểu chi tiết cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ qua chia sẻ của bác sĩ Đặng Thanh Tâm trong nội dung dưới đây.

Chịu trách nhiệm nội dung: Dr. Đặng Thanh Tâm

ThS – Bác sĩ Đặng Thanh Tâm hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh Viện Đa Khoa Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên năm 2017, nhận bằng thạc sĩ sản nhi năm 2019 tại Đại học Y Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, bác sĩ Đặng Thanh Tâm quyết định tham gia làm bác sĩ cố vấn cho iPREG. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.

Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, cảm cúm mẹ chớ xem thường

Chuẩn bị dụng cụ rửa mũi cho trẻ sơ sinh

Tùy theo cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ yêu cầu bố mẹ cần chuẩn bị những dụng cụ khác nhau. Dưới đây chúng tôi sẽ liệt kê những vật dụng cần thiết nhất. Cụ thể bao gồm:

1. Dung dịch vệ sinh mũi

Tất nhiên rồi, để rửa mũi cho bé bố mẹ cần chuẩn bị dung dịch vệ sinh. Dựa theo cách dùng, có 4 loại dung dịch chính sau:

Nước muối sinh lý 0.9%

Nước muối sinh lý 0.9% là dung dịch vệ sinh mũi phổ biến nhất được rất nhiều bố mẹ sử dụng bởi tính thuận tiện. Nước muối được đóng vào từng ống nhỏ dung tích 5ml/ống. Khi rửa mũi cho trẻ, bố mẹ chỉ cần chọn tư thế phù hợp và bóp trực tiếp dung dịch vào khoang mũi. Lưu ý, phần nhựa cứng ở đầu ống có thể gây tổn thương lỗ mũi nếu trẻ giãy dụa không hợp tác.

Nước muối truyền đóng chai 0.9%

Nước muối truyền đóng chai 0.9% được sử dụng như chất dẫn làm tăng hiệu quả truyền dịch trực tiếp vào cơ thể. Đây là sản phẩm chuyên dùng trong y tế. Các bệnh viện có chất lượng dịch vụ cao thường sử dụng nước muối truyền để vệ sinh mũi cho trẻ. Về cơ bản thành phần không khác nhiều nước muối sinh lý nhưng đảm bảo an toàn tuyệt đối, và tất nhiên giá cũng cao hơn khá nhiều.

Dung dịch xịt rửa mũi

Dung dịch xịt rửa mũi sử dụng nước muối biển có tác dụng sát khuẩn và làm thông thoáng khoang mũi. Mẹ có thể sử dụng trực tiếp hoặc dùng kèm sau khi rửa mũi cho trẻ. Thiết kế nút bấm xịt sương ở phần đầu giúp mẹ dễ dàng thao tác. Ngoài nước muối biển, thành phần có thể chứa thêm các loại thuốc điều trị bệnh hô hấp thông thường. Chỉ nên sử dụng trong khoảng 1 tháng từ khi mở hộp.

Nước muối sát khuẩn 0.9% đóng chai

Nước muối 0.9% đóng chai là dung dịch sát khuẩn dùng được cho cả người lớn và trẻ nhỏ trong nhiều điều kiện sử dụng. Mẹ có thể dùng để sát trùng vết thương, súc miệng, vệ sinh mũi,… Tuy nhiên với trẻ sơ sinh, dung dịch này sẽ không phù hợp, bởi khoang mũi của bé khá mẫn cảm. Hiện có rất nhiều công ty sản xuất nước muối sát khuẩn, mẹ nên mua tại các hiệu thuốc uy tín để tránh hàng kèm chất lượng.

2. Dụng cụ rửa mũi

Tùy vào việc lựa chọn dung dịch vệ sinh mà dụng cụ rửa mũi sẽ khác nhau. Về cơ bản bao gồm các vật dụng sau:

Bơm tiêm và núm cao su

Mẹ nên sử dụng bơm tiêm y tế bằng nhựa, loại dùng 1 lần. Do phần đầu tiêm khá cứng nên bác sĩ khuyến nghị cần mua thêm núm cao su mềm bọc đầu. Có thể tái sử dụng sau khi diệt khuẩn bằng nước sôi. Tuy nhiên mẹ nên thay thế sau từ 2 đến 5 lần rửa mũi cho trẻ. Nếu dùng nhiều sẽ tạo ma sát lớn giữa pít tông và xi lanh, khiến lưu lượng nước mạnh/yếu khác nhau dễ gây tổn thương khoang mũi.

Bình xịt rửa mũi

Nếu không muốn sử dụng bơm tiêm, mẹ có thể chọn mua bình xịt rửa mũi. Ưu điểm là có thể sử dụng được nhiều lần với thao tác đơn giản. Cấu tạo đầu vòi cong được tích hợp sẵn núm cao su mềm, cho phép mẹ rửa mũi cho trẻ trong mọi tư thế. Để đảm bảo an toàn, mẹ nên chọn sản phẩm của những thương hiệu lớn với mức giá từ 100,000 đến 150,000 VNĐ. Ngoài ra cần phải tiệt trùng bằng nước sôi trước và sau mỗi lần sử dụng.

Tăm bông vệ sinh mũi sau khi rửa

Khi trẻ bị nghẹt mũi lâu, dịch nhầy khô lại bám dính rất chắc vào thành mũi, điều này khiến việc xịt rửa sẽ không thể làm sạch khoang mũi hoàn toàn. Lúc này, mẹ cần dùng tăm bông để vệ sinh lại mũi cho con. Tăm bông vệ sinh cũng có khá nhiều loại, tùy vào độ tuổi của bé mà mẹ lựa chọn kích thước tăm bông phù hợp. Lưu ý tăm bông rất dễ bám bụi bẩn, mẹ phải bảo quản cẩn thận sau mỗi lần sử dụng.

3. Dụng cụ hút mũi

Sau khi rửa mũi cho trẻ sơ sinh, các bác sĩ khuyến nghị mẹ nên hút sạch nước rửa trong mũi bé. Nếu không hút, khi trẻ tiếp xúc với không khí bẩn rất dễ gây viêm nhiễm. Ngoài ra khi chưa thể rửa mũi cho trẻ, mẹ có thể dùng dụng cụ hút để lấy các dịch nhầy nằm sâu trong mũi bé một cách dễ dàng.

Hiện nay trên thị trường có 2 loại dụng cụ hút mũi là: thủ công và máy hút mũi. Trong hầu hết các trường hợp, dụng cụ thủ công là đủ cho mẹ thao tác. Nếu tài chính dư giả, gia đình có thể mua máy hút mũi với mức chi phí từ 2 đến 3 triệu đồng. Sau khi chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, mẹ hãy tiến hành rửa mũi cho trẻ theo hướng dẫn chi tiết phía dưới.

Các cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ an toàn

Theo bác sĩ Tâm, rửa mũi nói riêng hay chăm sóc trẻ nói chung, để đạt hiệu quả cao nhất mẹ cần có sự đồng thuận của bé. Tất nhiên tính hiếu động và sự phòng vệ sẽ không cho phép mẹ (hay bất kỳ ai) có thể thao tác một cách dễ dàng. Do đó, mẹ phải tiếp cận một cách nhẹ nhàng, không nóng vội. Bước đầu là lựa chọn tư thế rửa mũi phù hợp.

Xem thêm: Trẻ bị viêm họng: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Lựa chọn tư thế rửa mũi phù hợp

Có hai tư thế được các chuyên gia khuyến nghị là nằm và ngồi. Cụ thể như sau:

  • Tư thế nằm: phù hợp nhất cho trẻ sơ sinh và cả trẻ nhỏ. Tư thế này giúp hạn chế tổn những tổn thương khoang mũi trong quá trình rửa. Đồng thời tránh tình trạng trẻ bị sặc nếu không hợp tác.
  • Tư thế ngồi hoặc đứng: chỉ phù hợp cho trẻ nhỏ khi bộ khung xương đã cứng chắc. Ưu điểm là thuận tiện thao tác, vệ sinh mũi được sạch hơn, nhưng nhược điểm là có thể khiến trẻ bị sặc nước và rất dễ gây tổn thương khoang mũi nếu bé không hợp tác.

Cho trẻ làm quen dần với việc rửa mũi

Nếu mẹ cứng nhắc, ép trẻ phải rửa mũi ngay ở lần đầu, nhiều khả năng bé sẽ không chịu hợp tác. Cộng thêm cách rửa của mẹ khiến bé bị sặc… Có thể mẹ đã tưởng tượng ra sự vất vả ở những lần rửa mũi tiếp theo. Vậy làm cách nào để khiến trẻ hợp tác? Rất đơn giản, hãy thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Cho trẻ biết mình sắp phải đối diện với gì?

Mẹ bỏ các dụng cụ rửa mũi và nước rửa vào một chậu nhỏ. Hãy để trẻ thoải mái làm quen với các vật dụng này (nước rửa rất an toàn và trẻ có thể nuốt nên mẹ đừng quá lo lắng). Để tăng tính hiệu quả, mẹ hãy chơi đùa cùng bé, tự thao tác trên mũi của mình giúp con hiểu “không có vấn đề gì đâu”.

Bước 2: Nhỏ mũi cho trẻ

Dùng nước muối sinh lý 0.9% dạng ống, nhỏ 1 đến 2 giọt vào mũi của bé. Thao tác này giúp bé làm quen với mùi vị của nước rửa, đồng thời làm mềm các mảng bám có sẵn trong mũi bé. Theo bác sĩ Tâm, tốt nhất nên cho bé làm quen vài lần trước khi tiến hành các bước rửa mũi tiếp theo.

Tiến hành rửa mũi cho trẻ sơ sinh

Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới đây được chúng tôi chia thành 5 bước. Tùy vào mức độ hợp tác của bé, bố mẹ thực hiện đầy đủ hoặc loại bỏ những bước không cần thiết. Cụ thể như sau:

Bước 1: Nhỏ nước muối sinh lý

Bố mẹ thực hiện lại thao tác nhỏ mũi chúng tôi phân tích phía trên. Nếu mũi bé quá nhiều mảng bám, hãy dùng tay bóp mũi con vài lần để làm mềm. Các mảng bám bẩn sẽ dễ dàng được làm sạch khi xịt rửa. Ngoài ra, mẹ cũng có thể dùng bình xịt mũi thay thế nước muối sinh lý.

Bước 2: Chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ rửa mũi

Sau khi nhỏ mũi, cần đợi một vài phút. Trong thời gian này bố mẹ hãy chuẩn bị đầy đủ dụng cụ rửa mũi cần thiết gồm: dung dịch rửa, bơm tiêm (hoặc bình xịt), cốc đựng, khăn quấn,… Hút sẵn nước rửa nếu sử dụng bơm tiêm hoặc bình xịt.

Bước 3: Cho trẻ nằm/ngồi đúng tư thế

Nếu trẻ hợp tác, chỉ cần bố hoặc mẻ rửa là đảm bảo an toàn. Nếu không, hãy thực hiện các thao tác sau (yêu cầu 2 người lớn cùng thực hiện):

  • Nằm rửa: cho trẻ nằm nghiêng, phần mũi hơi thấp xuống dưới để tránh nước luồn sâu khiến bé bị sặc. Dùng khăn cuốn hai tay bé áp sát bụng, giữ bằng 1 tay, tay còn lại giữ không cho đầu bé cử động.
  • Ngồi rửa: bố ngồi lên ghế thẳng lưng; cho bé ngồi áp lưng vào ngực bố; dùng khăn cuốn chặt tay bé vào bụng; một tay bố giữ, tay còn lại đặt lên trán để giữ chặt đầu bé; bố hơi gập người về phía trước để mũi của bé có độ nghiêng.

Bước 4: Mẹ tiến hành xịt rửa

Mẹ dùng ống nước muối sinh lý, bơm tiêm hoặc bình xịt để tiến hành rửa mũi cho con. Bóp dung dịch rửa nhẹ nhàng vào một bên mũi cho tới khi thấy nước thoát ra ngoài ở bên mũi còn lại. Tiếp tục xịt thêm vài lần để dịch nhầy và mảng bám bị cuốn hết ra ngoài. Nước trong, mẹ dừng lại và đổi bên. Xịt rửa xong mũi, mẹ có thể rửa phần vòm họng nếu bé chịu hợp tác.

Bước 5: Hút sạch nước rửa

Mẹ dùng dụng cụ hút, một đầu áp sát thành mũi bé, miệng ngậm đầu còn lại và hút thật mạnh. Thao tác qua lại 2 bên lỗ mũi vài lần cho tới khi hút hoàn toàn nước rửa còn sót lại bên trong khoang mũi bé.

Một vài lưu ý khi rửa mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Việc rửa mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ nhanh chóng và đơn giản hơn rất nhiều nếu bé chịu hợp tác. Tuy nhiên phần lớn bố mẹ lại không có quá nhiều thời gian để thực hiện đầy đủ các công đoạn như chúng tôi phân tích. Lúc này, để đảm bảo an toàn và tính hiệu quả, bố mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Đừng quá gượng ép khi xịt rửa. Chỉ lấy đủ lượng nước muối cần dùng, nếu mũi bé đã sạch mẹ đừng quá gượng ép phải sử dụng hết nước rửa.
  • Thao tác nhẹ nhàng, nhất quán. Khi xịt rửa hãy thật nhẹ nhàng, niêm mạc khoang mũi trẻ sơ sinh rất mỏng, dễ bị tổn thương nếu mẹ xịt quá mạnh.
  • Thay thế dụng cụ định kỳ. Nếu dùng bơm tiêm, hãy thay thế sau từ 2 đến 5 lần xịt rửa. Nếu sử dụng các dụng cụ khác, hãy tuân thủ quy định của nhà sản xuất.
  • Vệ sinh dụng cụ sạch sẽ. Đảm bảo khử trùng toàn bộ dụng cụ rửa mũi bằng nước sôi ít nhất 5 đến 7 phút trước khi rửa.

Bác sĩ Tâm cho biết, mẹ nên rửa mũi cho trẻ 1 đến 2 lần mỗi ngày sau khi tắm và trước lúc đi ngủ. Trong mọi tình huống, hãy dừng ngay các thao tác nếu trẻ bị sặc hoặc có hiện tượng chảy máu mũi. Tham vấn ý kiến của bác sĩ để kịp thời xử lý và thay đổi cách rửa mũi cho trẻ trong những lần tiếp theo.

Kết luận

Trên đây là những chia sẻ chi tiết về cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vệ sinh mũi họng rất quan trọng, giúp con phòng tránh hiệu quả các bệnh đường hô hấp. Do đó, mẹ hãy chủ động bỏ túi một phương pháp vệ sinh an toàn. Chúc mẹ khỏe, bé ngoan!

Có thể mẹ quan tâm

  • Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, cảm cúm mẹ chớ xem thường
  • Tìm hiểu về quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh dành cho mẹ bỉm sữa
  • Trẻ bị viêm phổi: Dấu hiệu, cách chăm sóc hiệu quả tại nhà
  • Trẻ sơ sinh bị sôi bụng: Có sao không? Cách xử lý hiệu quả
  • Dinh dưỡng cho bé ăn dặm: Phát triển đồng đều thể chất lẫn trí tuệ
Bác sĩ Đặng Thanh Tâm
Bác sĩ Đặng Thanh Tâm
ThS – Bác sĩ Đặng Thanh Tâm hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh Viện Đa Khoa Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên năm 2017, nhận bằng thạc sĩ sản nhi năm 2019 tại Đại học Y Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, bác sĩ Đặng Thanh Tâm quyết định tham gia làm bác sĩ cố vấn cho iPREG. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.

Related Posts

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

spot_img

Recent Stories