Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ cần thực hiện đầy đủ các loại xét nghiệm sàng lọc trước và trong khi mang…
Chắc chắn rằng sinh ra một “thiên thần” khỏe mạnh là ước muốn của rất nhiều mẹ bầu. Nhưng để mong ước trở thành hiện thực bắt buộc mẹ phải thực hiện đủ các xét nghiệm khi mang thai.Vậy mẹ bầu phải trải qua những xét nghiệm nào? Mỗi loại xét nghiệm có ý nghĩa ra sao? Mẹ hãy theo dõi đến hết bài viết của iPREG để tìm thấy câu trả lời nhé.
Chịu trách nhiệm nội dung: Dr. Trần Thành Nam
ThS – Bác sĩ Trần Thành Nam hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội. Tốt nghiệp Đại Học Y Hà Nội năm 2014, lấy hàm Thạc Sĩ năm 2016, công tác tại Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội từ năm 2016. Năm 2018, Bác sĩ Trần Thành Nam cộng tác cùng iPREG nhằm mang tới bạn đọc những thông tin y khoa chính xác nhất.
Xem thêm: Huyết áp tăng, giảm khi mang thai ảnh hưởng gì tới sức khỏe bà bầu?
Xét nghiệm sàng lọc trước khi mang thai
Có nhiều mẹ quan niệm rằng chỉ nên thực hiện các xét nghiệm khi mang thai, còn trước lúc đó là không cần thiết. Tuy nhiên đây là suy nghĩ vô cùng sai lệch, bởi Việt Nam là nước có tỉ lệ mẹ bầu và trẻ sau sinh tử vong đứng thứ 80 trên thế giới. Hơn thế, số trẻ bị dị tật lúc mới chào đời chiếm phần không nhỏ (khoảng 41.000 ca [*]).
Chính vì vậy việc thăm khám, đồng thời làm các xét nghiệm sàng lọc trước mang thai cho mẹ và bố là vô cùng cần thiết. Điều này không những giúp mẹ kiểm tra khả năng mang thai, mà còn đưa mẹ đến quyết định đúng đắn khi nằm trong trường hợp sinh con gặp phải rủi ro. Những xét nghiệm sàng lọc trước khi mang thai bao gồm:
Khám tổng quát
Việc làm đầu tiên trong mỗi lần xét nghiệm là khám tổng quát sức khỏe hai vợ chồng. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám tim, phổi, gan,… để biết được bố và mẹ có bị khiếm khuyết các cơ quan này không và đó là bước đệm cho các xét nghiệm sắp tới.
Xem thêm: TORCH và tầm quan trọng của việc làm xét nghiệm tiền thai kỳ
Xét nghiệm máu
Phần lớn thai nhi sinh ra bị dị tật là do cấu trúc máu của bố và mẹ gặp vấn đề. Vì thế, cần tiến hành xét nghiệm huyết đồ để kiểm tra nhóm máu, công thức máu và các bệnh di truyền trước khi mang thai.
Sàng lọc gen
Xét nghiệm gen là bước kiểm tra vô cùng quan trọng, bởi bất thường về nhiễm sắc thể của bố hay mẹ đều khiến trẻ sinh ra có khả năng cao mắc phải dị tật. Đồng thời, người thân trước kia đã có người mang gen bệnh thì nguy cơ lây truyền chiếm phần đa số.
Xem thêm: Xét nghiệm NIPT là gì? Quy trình và bảng giá xét nghiệm chi tiết
Kiểm tra tuyến giáp
Bố, mẹ bắt buộc phải thực hiện bài kiểm tra này vì nếu tuyến giáp của một trong hai không tốt thì khả năng thụ thai tương đối thấp. Đồng thời nếu có thai thì sẽ gặp nhiều biến chứng thai kỳ, thậm chí trẻ sinh ra chậm phát triển, thấp kém về trí não.
Tiêm ngừa vắc xin
Để phòng ngừa “con yêu” không mắc phải những bệnh như sởi, rubella, viêm gan B, uốn ván,… thì mẹ bắt buộc phải tiêm vắc xin. Tuy nhiên khi có kế hoạch mang thai, mẹ phải thực hiện khám sàng lọc và tiêm ngừa trước 3 tháng thụ thai.
Xem thêm: Lịch tiêm chủng cho trẻ từ 0 đến 24 tháng tuổi chi tiết nhất
Những trường hợp nào càng phải nên khám sàng lọc trước khi mang thai?
- Gia đình có người bị bất thường nhiễm sắc thể, mắc bệnh Down, nứt đốt sống…
- Mẹ bầu trước đây đã bị sảy thai, sinh non, thai lưu.
- Vợ chồng hoặc người thân mắc các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, đái tháo đường…hoặc viêm gan, ung thư….
- Mẹ bầu mang thai ngoài 35 tuổi hoặc tâm lý bị bất ổn.
Các xét nghiệm khi mang thai cần thiết nhất
Khám thai lần đầu
Khi phát hiện những thay đổi của cơ thể, đồng thời que thử thai xuất hiện 2 vạch. Điều cần làm lúc này là mẹ nên đến ngay bệnh viện để tiến hành làm các xét nghiệm khi mang thai. Tại đây bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát sức khỏe mẹ và xác định tuổi thai. Ngoài ra, còn thực hiện các phương pháp siêu âm để biết thai có vào tử cung hay chưa.
Xem thêm: Lịch khám thai định kỳ: Mốc khám và những lưu ý quan trọng
Siêu âm độ mờ da gáy
Sau khi khám thai lần đầu, cột mốc tiếp theo mẹ cần đến bệnh viện là vào tuần 11 đến tuần 13 thai kỳ để tiến hành đo độ mờ da gáy. Tại sao phải ghi nhớ đúng thời gian này? Nguyên do là nếu thai còn nhỏ sẽ không nhìn thấy chính xác, còn thai quá tuần, độ mờ da gáy đã trở về bình thường.
Vì thế tuần 11 -14 là “thời điểm vàng” cho xét nghiệm này. Đây là lần khám cực kỳ quan trọng bởi nó giúp phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh, do đó mẹ phải lưu ý cột mốc này.
Chuyên gia y tế tiến hành đo độ mờ da gáy bằng cách siêu âm thai hoặc siêu âm đầu dò. Dùng dụng cụ kỹ thuật để đo chiều dài từ đỉnh đầu đến phần cuối xương sống. Từ đó bác sĩ sẽ cho ra được kết quả và có lời khuyên thích hợp dành cho mẹ.
Đối với những trường hợp có độ mờ da gáy cao, lúc này mẹ cũng đừng quá lo lắng bởi kết quả chỉ tương đối khoảng 75%. Bác sĩ sẽ khuyên mẹ chờ đợi và tiếp tục thực hiện kiểm tra Triple Test hoặc Double Test ở tuần tiếp theo.
Xét nghiệm Triple Test và Double Test
Cả hai xét nghiệm được thực hiện vào khoảng tuần 14 thai kỳ sau khi siêu âm độ mờ da gáy. Mục đích của bộ đôi xét nghiệm này sẽ dựa vào kết quả siêu âm độ mờ da gáy để phát hiện nguy cơ mắc các dị tật của thai nhi.
Tuy nhiên cả hai xét nghiệm này chỉ mang tính chất đưa ra mức độ cao hay thấp, chứ không khẳng định chính xác 100%. Vì thế khi nhận được kết quả mẹ cũng đừng nên quá hoang mang mà hãy nghe theo tư vấn của bác sĩ.
Siêu âm 4D
Siêu âm 4D được thực hiện nhằm mục đích tìm ra những khiếm khuyết ở trẻ như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng,… Ngoài ra phương pháp này còn phát hiện được giới tính và tình trạng sức khỏe của bé với độ chính xác tương đối cao.
Siêu âm 4D khá an toàn, hầu như không gây ảnh hưởng cho sức khỏe mẹ và bé. Vì đây cũng nằm trong bước quan trọng khi khám thai, do đó mẹ nên nghe theo hướng dẫn của bác sĩ và thực hiện đúng theo từng cột mốc.
Xem thêm: Tư vấn: Cách đọc kết quả siêu âm thai chính xác
Chọc dò màng ối
Kỹ thuật này thường được thực hiện vào khoảng tuần 16 của thai kỳ.
Đây là phương pháp xét nghiệm với mục đích tìm ra nguy cơ mắc bệnh Down hoặc bất thường nhiễm sắc thể ở trẻ. Nếu ở 3 xét nghiệm Triple Test, Double Test và siêu âm mờ da gáy cho ra kết quả dương tính, thì bác sĩ sẽ thực hiện tiếp xét nghiệm này để xác định chính xác.
Rủi ro của chọc dò màng ối sẽ khiến mẹ sảy thai, tuy nhiên tỉ lệ khoảng 1%. Vì thế các chuyên gia thường cân nhắc trong việc áp dụng xét nghiệm này.
Xét nghiệm máu và nước tiểu
Mục đích của 2 loại xét nghiệm này là tìm ra những bất thường về nhóm máu và khả năng mắc tiểu đường thai kỳ của mẹ.
Xét nghiệm máu giúp mẹ phát hiện các bệnh sau
- Rubella: Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng có thể làm mẹ sảy thai, sinh non. Ngoài ra trẻ sinh ra gặp nguy cơ đục thủy tinh thể, khiếm thính và chậm phát triển trí tuệ.
- Viêm gan B: Virus viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con khiến bé bị nhiễm trùng và sau này mắc các bệnh về gan. Nếu xét nghiệm máu phát hiện mẹ có virus viên gan, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ phương pháp xử lý nhằm tránh hậu quả đáng tiếc về sau.
- HIV: Bệnh thế kỉ nguy hiểm có khả năng di truyền từ mẹ sang con với tỉ lệ cao.
- Giang mai: Bệnh lây truyền qua đường tình dục và dẫn đến nguy cơ sảy thai.
Xem thêm: Bệnh Rubella là gì? Ảnh hưởng thế nào tới mẹ và bé?
Xét nghiệm nước tiểu
Phương pháp này giúp mẹ tìm ra chỉ số khác thường về Albumin, Nitrite, từ đó bác sĩ sẽ kết luận rằng mẹ có khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm hay không. Ngoài ra phát hiện lượng protein trong nước tiểu còn cho thấy mẹ có nguy cơ tiền sản giật cao.
Xem thêm: Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai và những vấn đề cần lưu ý
Xét nghiệm Alpha- fetoprotein (AFP)
Xét nghiệm thường cho kết quả chính xác vào khoảng tuần 16 – 20 của thai kỳ. Mục đích nhằm kiểm tra độ bất thường của ống thần kinh, thiếu nước ối hay khả năng thai lưu của mẹ.
Xét nghiệm Glucose
Chắc chắn mẹ bầu nào cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, cho nên xét nghiệm này vô cùng cần thiết.
Thông thường trước khi thực hiện xét nghiệm, bác sĩ sẽ bắt buộc mẹ nhịn ăn khoảng 8 – 12 tiếng và cho mẹ lấy máu. Tiếp theo chuyên gia cho mẹ uống dung dịch glucoso và lấy máu lần 2. Nếu kết quả 2 lần lấy máu đều dương tính, có nghĩa mẹ gặp khả năng cao mắc bệnh đái tháo đường và cần được theo dõi sát sao.
Từ tuần 24 – 28 thai kỳ là khoảng thời gian lý tưởng cho xét nghiệm này. Mẹ nên ghi nhớ đúng lịch để phát hiện sớm nguy cơ băng huyết, tiền sản giật,… do tiểu đường thai kỳ gây ra.
Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B (Strep nhóm B)
Xét nghiệm này thường được thực hiện vào tuần 35 – 37 thai kỳ. Bác sĩ tiến hành xét nghiệm bằng cách lấy gạc cho vào âm đạo và trực tràng của mẹ để thu mẫu xét nghiệm.
Nếu kết quả dương tính, mẹ gặp khả năng đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng ối, nhiễm trùng đường tiểu, vỡ ối sớm trước khi chuyển dạ,… Không những thế, vi khuẩn còn có thể lây cho bé, gây nên viêm phổi và viêm màng não. Bác sĩ sẽ cho mẹ sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa khả năng lây nhiễm, do đó mẹ cũng đừng quá lo lắng.
Thực hiện đủ các xét nghiệm khi mang thai là việc làm bắt buộc của những phụ nữ có ý định làm mẹ. Vì thế bạn cần ghi nhớ lịch khám thai và tuân thủ đúng hẹn của bác sĩ. Ngoài ra, bổ sung đủ dinh dưỡng và có chế độ sống khoa học cũng là việc làm thiết yếu góp phần vào sự phát triển của em bé trong bụng mẹ.
[*] Số liệu từ cổng thông tin điện tử – Bộ Y Tế
Mẹ có thể tham khảo
- Các xét nghiệm và khám sàng lọc trước sinh dành cho bố
- Ý nghĩa của việc khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai
- Lịch khám thai đầy đủ ba tháng giữa thai kỳ
- Lịch khám thai 3 tháng cuối thai kỳ: Tư vấn từ chuyên gia
- Dấu hiệu mang thai khác với kỳ kinh nguyệt như thế nào?