Tháng thứ 8 mẹ có thể gặp các triệu chứng như: đau cổ họng, khí hư bất thường,… khiến tâm lý mệt mỏi. Cùng…
Thời gian sinh nở cận kề cũng là lúc các triệu chứng khó chịu kéo đến nhiều hơn. Mang thai tháng thứ 8, mẹ bầu phải thường xuyên đối mặt với những dấu hiệu mệt mỏi. Tất cả khiến mẹ “khốn khổ” cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên điều gì cũng sẽ có cách giải quyết, mẹ bầu đừng quá lo lắng.
Trong bài viết này, chuyên gia của iPREG đã có biện pháp giúp mẹ đẩy lùi tình trạng khó chịu thường gặp trong tháng thứ 8, mẹ nhớ đừng bỏ qua nhé!
Chịu trách nhiệm nội dung: Dr. Đặng Thanh Tâm
ThS – Bác sĩ Đặng Thanh Tâm hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh Viện Đa Khoa Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên năm 2017, nhận bằng thạc sĩ sản nhi năm 2019 tại Đại học Y Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, bác sĩ Đặng Thanh Tâm quyết định tham gia làm bác sĩ cố vấn cho iPREG. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.
Xem lại: Các triệu chứng khó chịu có thể xảy ra trong tháng thứ 7 thai kỳ
Ngứa cổ giai đoạn này không thể lơ là
Ở những tháng cuối, mẹ bầu có thể gặp các cơn ho dai dẳng, tiếng ho liên tục nhiều hơn, kéo theo đó là cảm giác ngứa cổ. Nếu tình trạng này duy trì thời gian dài chắc chắn sức khỏe mẹ sẽ bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân
Có nhiều yếu tố gây nên tình trạng này nhưng đa phần có thể điểm mặt những nguyên nhân sau:
Lượng máu gia tăng nhanh chóng
Khoảng thời gian cuối là lúc thể tích máu tăng lên liên tục. Lúc này, các mạch máu ở khoang mũi bị chèn áp bởi áp lực lớn, kéo theo là các dịch nhầy ở mũi sản sinh. Từ nguyên nhân đó làm mũi bị nghẹt, các cơn ho cũng nhanh chóng xuất hiện.
Sức đề kháng suy giảm
Theo kết luận của các chuyên gia, đa phần phụ nữ khi mang thai đều suy giảm sức đề kháng nghiêm trọng, hệ miễn dịch chỉ bằng ½ người bình thường. Chính nguyên do đó, các loại vi khuẩn có hại dễ dàng xâm nhập vào trong làm tổn thương đến hệ hô hấp của mẹ.
Ngoài ra những mẹ thường xuyên uống đá lạnh, làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với điều hòa hoặc mùa đông không ủ đủ ấm, cũng là nguyên nhân chính khiến tình trạng ho ngứa cổ ngày một trở nặng.
Xem thêm: Thay đổi gì trong cuộc sống và công việc trước khi mang thai?
Sự phát triển của thai nhi
Vào giữa tam cá nguyệt cuối, chiều dài và cân nặng thai nhi có sự gia tăng đáng kể, kích thước đã chiếm trọn tử cung. Lúc này, dạ dày bị chèn ép xuất hiện tình trạng trào ngược. Không những thế, hệ hô hấp cũng bị cản trở làm các cơn ho ngứa cổ kéo đến không ngừng.
Biện pháp khắc phục
Tuy căn bệnh thông thường này không làm ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ bầu. Nhưng nếu không có cách xử lý kịp thời sẽ khiến cổ họng tổn thương. Hơn nữa có nguy cơ mắc phải viêm đường hô hấp, viêm phế quản. Tốt nhất mẹ nên đề phòng và trang bị kiến thức để có biện pháp điều trị nhanh chóng.
Vùng mũi là nơi vi khuẩn dễ dàng tấn cống đến. Do đó, mẹ nên vệ sinh sạch sẽ hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Hạn chế đưa tay vào mũi nhằm tránh mang mầm mống gây bệnh vào trong. Ra ngoài cần dùng khẩu trang để bụi bẩn, khí độc không có cơ hội xâm nhập.
Tiết trời lạnh mùa đông mẹ nên giữ ấm cơ thể. Mặc đồ len nhiều lớp, đồng thời quấn khăn che kín vùng cổ. Tuyệt đối không uống nước đá lạnh tránh gây viêm họng, tổn thương đến hệ hô hấp. Nếu tình trạng ho dai dẳng kéo dài, kèm theo ho có đàm, sốt râm ran, mẹ cần đến khám bác sĩ ngay. Không tự tiện dùng thuốc khi chưa có sự cho phép của chuyên gia y tế.
Cách trị ho ngứa cổ bằng biện pháp dân gian
Uống nước chanh muối pha loãng
Chanh muối từ lâu không chỉ nổi tiếng là một loại nước giải khát thơm ngon mà nó còn là bài thuốc hữu hiệu trị các bệnh về ho khan, viêm họng. Trong muối có tính kháng khuẩn, chanh có tính axit, hai nguyên liệu dung hòa lẫn nhau làm triệu chứng khó chịu dần biến mất. Để tăng hiệu quả pha thêm chút mật ong là lựa chọn lý tưởng cho mẹ.
Uống trà gừng
Gừng không chỉ là một loại gia vị gần gũi, mà còn là vị thuốc dân gian hữu hiệu trong việc điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Đặc biệt tính kháng viêm, thông cổ trong gừng có tác dụng trị ho hiệu quả. Thêm vào một ít mật ong, bộ đôi này sẽ phát huy hết công lực của mình. Những mẹ đến tháng này vẫn còn bị ốm nghén có thể sử dụng loại nước này để uống, vừa làm dịu cổ họng lại giảm nôn ói hiệu quả.
Xem thêm: Lê hấp đường phèn: Bài thuốc trị ho đơn giản mà hiệu quả
Khí hư có màu cảnh báo nguy hiểm
Khí hư xuất hiện là điều rất bình thường đối với người phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, khí hư có màu khác lạ, kèm mùi hôi khó chịu đó là dấu hiệu bất thường. Nếu khí hư trùng với những dấu hiệu dưới đây, mẹ cần cẩn trọng và tiến hành thăm khám kịp thời:
Khí hư có màu vàng, xanh, mùi chua kèm theo đó là bọt khí
Khi có những dấu hiệu này có lẽ mẹ bầu đã bị vi khuẩn tấn công, gây nên tình trạng viêm nhiễm phụ khoa hoặc bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Mẹ cần theo dõi nếu vùng kín cảm thấy ngứa rát, kèm theo đó khí hư tiết ra ngày một nhiều hơn mẹ nên nhờ sự can thiệp nhanh chóng của chuyên gia y tế.
Khí hư có màu vàng, vùng kín sưng tấy, kèm theo dịch vón cục
Triệu chứng này có thể mẹ đã bị nhiễm nấm candidas. Việc cần làm là mẹ nên đến ngay bệnh viện để bác sĩ tiến hành can thiệp. Tại đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn thuốc đặc trị nhằm ức chế sự lây lan của bệnh. Nếu để tình trạng kéo dài, vi khuẩn sẽ xâm nhập sâu vào trong gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi trong bụng mẹ.
Khí hư có màu nâu, đỏ nhạt không giống như kinh nguyệt
Đây là biểu hiện của chứng rối loạn nội tiết tố, nghiêm trọng hơn hết là nguy cơ ung thư cổ tử cung. Vì dấu hiệu này tiềm ẩn nhiều bệnh lý nghiêm trọng, do đó mẹ phải theo dõi thường xuyên. Nếu bất thường phải đến bệnh viện ngay.
Khí hư ra máu, kèm theo dịch nhầy
Thông thường khi phát hiện dịch tiết này vào những tháng cuối mẹ có quyền nghi ngờ đây là dấu hiệu chuyển dạ. Lúc này, cần chuẩn bị khăn gối nhanh chóng đến bệnh viện tiến hành sinh nở. Tuy nhiên nếu biểu hiện này xuất hiện khá sớm có thể đó là nguy cơ sinh non, bởi thế mẹ cũng nên hết sức cẩn trọng.
Xem thêm: Sinh non: Dấu hiệu sinh non và biện pháp phòng tránh hiệu quả
Cách phòng ngừa khí hư xuất hiện bất thường
Khí hư có màu lạ, mùi hôi bất thường hầu hết đều là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì thế, ngăn chặn điều này xảy ra ra là việc làm bắt buộc. Mẹ nên tham khảo những cách dưới đây để phòng ngừa cho mình:
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ hằng ngày, đặc biệt trong giai đoạn cuối. Khi tắm rửa cho “cô bé”, không dùng chất tẩy có độ pH quá cao, thụt sâu vào trong âm đạo. Dùng khăn lau từ sau ra trước. Lưu ý, không làm ngược lại tránh gây lây nhiễm từ phía sau.
- Vùng kín luôn đảm bảo khô thoáng. Khi đi vệ sinh, tiểu tiện mẹ phải chuẩn bị sẵn khăn giấy để thấm hút. Vùng kín ẩm ướt dễ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn xâm nhập vào trong.
- Chất liệu quần lót mẹ nên chọn những loại dễ thấm hút, mềm mại, co dãn tốt. Không nên mặc quần quá bó sát. Đồng thời, “đồ bảo hộ” cho vùng kín phải luôn khô thoáng, sạch sẽ.
- Đặc biệt khi quan hệ “chăn gối” giai đoạn này, vợ chồng phải sử dụng biện pháp an toàn. Các tư thế cũng cần nhẹ nhành để tránh “làm phiền” đến “bé cưng” trong bụng.
Xem thêm: Quan hệ tình dục an toàn khi mang thai, những điều cần lưu ý
Vùng kín là nơi nhạy cảm, cũng là bộ phận quan trọng của người phụ nữ. Vì thế, mẹ phải chăm sóc kỹ lưỡng tránh các tác nhân gây hại ở mức tối đa. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, tuyệt đối không được dùng thuốc can thiệp mà phải nhờ sự hỗ trợ ngay của chuyên gia y tế.
Tìm hiểu các yếu tố liên quan đến việc sinh nở
Vị trí thai nhi trong tử cung ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh nở sau này. Khi được sống bao quanh là nước ối, phần đầu bé nặng hơn có xu hướng cúi xuống, mông hướng lên. Đây là tư thế ngôi thai thuận, khi sinh nở vô cùng dễ dàng.
Một số trường hợp ngôi thai không thuận như lúc sinh phần mông xuất hiện trước (ngôi mông) hoặc cánh tay, chân lộ ra trước (ngôi ngang) đều mang đến nhiều bất lợi cho mẹ bầu. Những trường hợp này làm ca sinh bị cản trở đáng kể. Thai nhi gặp khó khăn khi chui ra từ cơ thể mẹ, từ đó mức độ nguy hiểm gia tăng đáng kể.
Xem thêm: 8 nguyên nhân sinh chậm và biện pháp khắc phục hiệu quả
Những nguyên nhân gây sinh khó
Sản lực mẹ bầu bị hạn chế
Những mẹ bầu có sức khỏe yếu, không có hơi rặn đẻ thường gây khó khăn lúc sinh nở. Việc mẹ không đủ hơi khiến bé dễ ngạt thở, tử cung có thắt không đúng quy luật khiến bé khó chui được ra ngoài. Bởi thế trước khi “lâm bồn” mẹ phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, đồng thời học cách rặn đẻ khoa học để đưa bé ra ngoài thuận lợi.
Xem thêm: Infographic: 10 tư thế vận động giúp mẹ dễ sinh
Khung chậu và thai nhi không tương thích
Thông thường khi có dấu hiệu sinh, khung chậu sẽ giãn nở đều. Tuy nhiên, một số trường hợp do đầu bé quá to mà không thể tương thích với vùng chậu của mẹ. Mặt khác, nếu quá trình mang thai mẹ thường xuyên đi giày cao gót cũng khiến khung xương chậu trở nên bất thường. Mẹ nên lưu ý trường hợp này nhé!
Tinh thần mẹ bầu bất ổn
Tâm lý mẹ bầu là yếu tố khá quan trọng quyết định đến việc sinh nở có thuận lợi hay không. Nếu bước vào phòng sinh với tâm trạng lo âu, sợ hãi thì chắc chắn mẹ sẽ không đủ sức lực để rặn đẻ. Cộng thêm những âm thanh tiêu cực của các sản phụ kế bên cũng gây áp đảo tinh thần mẹ lúc này. Điều cần làm là mẹ nên học cách đối mặt, chuẩn bị “tinh thần thép” để vượt qua những điều đáng sợ nơi phòng sinh.
Người phụ nữ khi “lâm bồn” thường gặp trở ngại với nhiều nỗi sợ, cho dù mạnh mẽ đến đâu thì có lẽ mẹ sẽ không thể can đảm vượt qua dễ dàng. Lúc này các ông bố phải luôn túc trực bên mẹ, xoa dịu cơn đau, đồng thời là bờ vai vững chắc để mẹ tựa vào trong lúc nguy cấp.
Xem thêm: Chuẩn bị tâm lý trước khi sinh: Giúp mẹ vượt cạn thành công
Thai nhi bất thường
Tình trạng thai nhi khác thường cũng là nguyên do khiến ca sinh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nếu thai nhi quá to sẽ không thể chui lọt qua sản đạo của mẹ. Mặt khác, em bé không quay đầu xuống mà lơ lửng phía trên cũng gây trở ngại cho các bác sĩ thai sản.
Bước vào giai đoạn cuối, chắc chắn mẹ sẽ không tránh khỏi sự “làm phiền” của các triệu chứng khó chịu. Điều mẹ cần làm là trang bị kiến thức đối phó, đồng thời chăm sóc sức khỏe từ những việc làm đơn giản nhất. Một lưu ý quan trọng, mẹ nhớ lên lịch khám thai định kỳ nhằm phát hiện kịp thời những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Mẹ có thể tham khảo
- Những bất thường có thể xảy ra trong tháng thứ 9 thai kỳ
- Cẩm nang mang thai tháng thứ chín
- Dinh dưỡng tháng thứ 8: Bà bầu ăn gì để tránh sinh non?
- Cuộc sống mẹ bầu mang thai tháng thứ 8, chú trọng từ những điều nhỏ nhặt
- Chăm sóc tâm lý toàn diện cho mẹ bầu mang thai tháng thứ 8