Bệnh quai bị ở trẻ em: Triệu chứng và cách điều trị từ chuyên gia

Bệnh quai bị ở trẻ em lành tính nhưng nếu không điều trị đúng cách có thể gây nhiều nguy hại về sau. Cùng…

Bệnh quai bị ở trẻ em không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu chữa trị và chăm sóc sai cách sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, bệnh quai bị vẫn chưa có thuốc đặc trị. Do đó, phòng ngừa quai bị cho trẻ là điều tiên quyết.

Vậy dấu hiệu và các triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em là gì? Cách phòng tránh ra sao? Mẹ hãy cùng iPREG tìm hiểu chi tiết qua nội dung được chia sẻ bởi bác sĩ Đặng Thanh Tâm dưới đây.

Chịu trách nhiệm nội dung: Dr. Đặng Thanh Tâm

 


ThS – Bác sĩ Đặng Thanh Tâm hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh Viện Đa Khoa Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên năm 2017, nhận bằng thạc sĩ sản nhi năm 2019 tại Đại học Y Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, bác sĩ Đặng Thanh Tâm quyết định tham gia làm bác sĩ cố vấn cho iPREG. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.

Xem thêm: Nứt đốt sống là gì? Nguyên nhân và biện pháp điều trị

Bệnh quai bị là gì?

 

Quai bị (Mumps – CDC Hoa Kỳ) còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai do virus quai bị hay viêm tuyến mang tai dịch tễ. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính khá phổ biến ở trẻ em, lây trực tiếp qua đường hô hấp nên dễ bùng phát thành dịch.

Bệnh quai bị ở trẻ em thường phát vào mùa xuân và hè. Dịch bùng mạnh nhất vào khoảng tháng 4, tháng 5 trong môi trường tập thể như nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học. Tuổi nào ở trẻ cũng có thể mắc bệnh nhưng tần suất mắc bệnh cao hơn trong độ tuổi từ 2 đến 15.

Bệnh tuy lành tính nhưng dễ để lại biến chứng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trẻ mắc bệnh quai bị có thể lây cho người khác trước cả khi biết mình mắc bệnh. Vì vậy, nhận biết bệnh sớm những triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ không chỉ giúp chữa trị kịp thời mà còn giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Nguyên nhân gây bệnh quai bị ở trẻ

Nguyên nhân chính gây ra bệnh quai bị ở trẻ em là do virus quai bị Mumps thuộc họ Paramyxoviridae. Virus này có thể tồn tại khá lâu bên ngoài cơ thể khoảng từ 30 tới 60 ngày, ở nhiệt độ 15 đến 200°C.

Như đã nói ở trên, bệnh quai bị lây lan qua đường hô hấp, ăn uống, qua nước bọt khi người bệnh nói, ho, hắt hơi, khạc nhổ. Thời gian dễ lây bệnh nhất là vào khoảng  2 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu và sau 6 ngày khi các triệu chứng bệnh lý đã hoàn toàn biến mất. Vì vậy mà cả người bệnh và người tiếp xúc với họ đều rất khó nhận ra virus quai bị đã được lan truyền.

Các triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em

 

Các triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ không xuất hiện cùng lúc mà dần khởi phát triệu chứng theo thời gian mang bệnh. Bố mẹ có thể đoán biết bệnh quai bị ở trẻ em qua các biểu hiện sau:

  • Trước khi phát bệnh từ 1 tới 2 ngày, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu trong người, mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, khó ngủ. Đồng thời xuất hiện triệu chứng sốt từ 38 đến 39°C, kéo dài đến 4 ngày.
  • Sau khi sốt từ 24 tới 28 giờ, tuyến mang tai sẽ sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm dần trong khoảng 1 tuần; có thể sưng 1 bên hoặc cả 2 bên. Trường hợp sưng 2 bên thì 2 tuyến không sưng cùng một lúc mà thay phiên nhau, tuyến 2 sẽ sưng to khi tuyến 1 đã bắt đầu giảm sưng. Vùng sưng có thể lan đến má, dưới hàm, sau tai, gây biến dạng mặt. Da bị sưng căng bóng, sờ nóng, đau, ấn không lõm.
  • Trẻ mắc bệnh há miệng thường có cảm giác đau lan ra tai, họng viêm đỏ, góc hàm sưng hạch.
  • Một số trường hợp cực kỳ hiếm gặp, tuyến dưới hàm sưng to gây phù trước xương ức gây khó nuốt, khó nói, đôi khi phù thanh môn gây khó thở phải mở khí quản.

Xem thêm: Viêm tai giữa ở trẻ: Dấu hiệu và cách chữa hiệu quả

Các biến chứng nguy hiểm khi trẻ mắc quai bị

Biến chứng quai bị ở trẻ thường gặp

Bệnh quai bị ở trẻ em không gây nhiều biến chứng như với người lớn, song có thể ảnh hưởng lâu dài cho sức khỏe về sau. Một số biến chứng thường gặp của bệnh quai bị bao gồm:

  • Viêm tinh hoàn ở bé trai: Viêm tinh hoàn hay teo tinh hoàn có thể dẫn đến vô sinh. Cứ 10 bé trai mắc quai bị sẽ có 4 bé bị biến chứng viêm tinh hoàn. Do vậy, khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng kể trên, đặc biệt có kèm theo đau nhiều ở vùng bìu thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời và đúng cách, tránh di chứng vô sinh khi lớn lên.
  • Viêm buồng trứng ở bé gái: Nếu bé xuất hiện triệu chứng đau bụng nhiều thì có khả năng gặp phải biến chứng này, vì vậy bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng.

Các biến chứng khác

Ngoài ra, quai bị còn có thể gây ra một số biến chứng hiếm gặp khác như:

  • Điếc tai: Biến chứng này cực hiếm với tỷ lệ 1/200,000 trẻ bị nhiễm bệnh quai bị. Điếc tai xảy ra ở giai đoạn khởi phát khi virus gây tổn thương ốc tai, gây điếc 1 bên tai, hiếm gặp cả 2 bên. Hiện chưa có cách ngăn ngừa biến chứng này nhưng đã có giải pháp cấy ghép ốc tai dù khá là tốn kém.
  • Viêm não, viêm màng não: Đây là một trong những biến chứng hiếm gặp nhất. Virus quai bị có thể tấn công hệ thần kinh trung ương làm tăng nguy cơ viêm màng não, viêm não hoặc dị tật tiểu não. Người bệnh có thể đau bụng nhiều, ói, tụt huyết áp,…
  • Viêm tụy: Đây là biến chứng nặng của bệnh quai bị, xảy ra 1/20 trường hợp và thường ở dạng nhẹ.
  • Viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm đường hô hấp: Là những biến chứng ít gặp hơn những vẫn có thể xảy ra nếu điều trị sai lầm.

Xem thêm: Trẻ bị viêm phổi: Dấu hiệu, cách chăm sóc hiệu quả tại nhà

Phương pháp điều trị quai bị ở trẻ như thế nào?

 

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, vì vậy chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng đỡ cơ thể. Trẻ mắc quai bị sẽ được cách ly từ 10 đến 15 ngày kể từ lúc phát hiện bệnh.

  • Đắp ấm vùng sưng để giảm đau tại chỗ, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng paracetamol.
  • Dùng corticoid đúng liều, dùng liều lớn khi điều trị khởi đầu, thường dùng Prednisolon 60mg/ngày, sau đó sẽ giảm dần trong 7 tới 10 ngày.
  • Dùng thuốc kháng sinh khi nghi ngờ bội nhiễm và phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Khi bị sưng tinh hoàn, mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau,nằm nghỉ tuyệt đối và không được vận động. Trường hợp tinh hoàn bị chèn ép nhiều thì phẫu thuật giải áp.

Điều trị như thế này chỉ làm giảm triệu chứng cho đến khi nhiễm trùng diễn ra, cơ thể hình thành khả năng miễn dịch giống như cảm lạnh. Hầu hết các trường hợp trẻ đều có thể phục hồi trong vòng 2 tuần.

Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị táo bón: Những dấu hiệu và cách chữa hiệu quả

Cách chăm sóc trẻ bị quai bị tại nhà

Điều nên làm

Bố mẹ có thể chăm sóc trẻ bị quai bị tại nhà vẫn chóng khỏi nếu ghi nhớ các điều sau:

  • Cho trẻ uống nhiều nước, có thể dùng nước bù điện giải.
  • Chườm lạnh lên vùng bị sưng để giảm bớt cơn đau.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt đối với trẻ bị đau tinh hoàn.
  • Cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý, nước súc miệng hoặc nước ấm.
  • Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt vì nhai có thể gây đau. Bổ sung các loại rau xanh, dưa đỏ và xoài cho bữa ăn của trẻ, đặc biệt là các món ăn từ đậu.

Điều không nên làm

Để bệnh quai bị ở trẻ em chóng khỏi người chăm sóc cũng cần lưu ý những điều không nên làm sau đây:

  • Tránh để trẻ vận động mạnh, chạy nhảy nhiều vào những ngày bệnh toàn phát, diễn tiến cấp tính.
  • Không tự ý dùng thuốc uống, thuốc bôi đắp lên vùng sưng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Không nên chữa trị bằng các phương pháp dân gian, truyền miệng vì có thể làm nóng, phỏng vùng sưng, vi trùng dễ xâm nhập gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng, tăng nguy cơ tử vong.
  • Tránh cho trẻ ăn các loại trái cây có tính axít như: cam, chanh, bưởi, cũng như các loại thực phẩm chế biến sẵn nhiều dầu mỡ vì có thể khiến bệnh trở nặng. Tránh cho trẻ uống nước trái cây vì thức uống này thường gây tiết nước bọt, trẻ có thể bị đau ở mang tai. Thức ăn cay nóng, thịt gà, gạo nếp cũng không được các chuyên gia khuyến khích dùng trong bữa ăn của trẻ bị quai bị.

Cách phòng ngừa quai bị ở trẻ em tốt nhất

Tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị ở trẻ

 

Vắc xin quai bị thường được tiêm dưới dạng kết hợp với vắc xin phòng Sởi – Rubella (MMR II). Bố mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng theo đúng lịch tiêm chủng sẽ giúp trẻ có khả năng miễn dịch với căn bệnh này:

  • Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 7 tuổi: Tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 ít nhất là một tháng. Mũi 2 nên tiêm khi trẻ được 4 đến 6 tuổi hoặc sớm hơn nếu có dịch xảy ra.
  • Trẻ từ 7 tuổi trở lên: Tiêm 2 mũi nên cách nhau ít nhất 1 tháng.

Xem thêm: Lịch tiêm chủng cho trẻ từ 0 đến 24 tháng tuổi chi tiết nhất

Cách ly trẻ với cộng đồng có dịch

Bệnh quai bị ở trẻ em dễ lây lan, đặc biệt là trong môi trường đông người như nhà trẻ, trường học. Nếu có dịch bùng phát, hoặc thấy con mình có những triệu chứng mắc bệnh thì bố mẹ nên cho bé nghỉ học. Không cho trẻ đến nơi đông người, sử dụng riêng vật dụng cá nhân và đeo khẩu trang khi chăm sóc trẻ.

Kết luận

Bệnh quai bị ở trẻ thực ra khá lành tính, hầu hết các trẻ đều có khả năng tự phục hồi nếu được chăm sóc đúng cách. Mong rằng những thông tin trên đây sẽ giúp bố mẹ hỗ trợ điều trị và chăm sóc bé yêu của mình tốt hơn. Nhưng cũng đừng quên theo sát những biểu hiện của trẻ bởi nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, thì việc đưa trẻ đến ngay bác sĩ là vô cùng cần thiết mẹ nhé.

Mẹ có thể tham khảo thêm

  • Bệnh thường gặp ở mẹ sau sinh: Nguyên nhân và cách phòng tránh
  • Cách tính ngày quan hệ an toàn để tránh thai hiệu quả
  • Trẻ bị viêm amidan: Dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả
  • Men tiêu hóa cho trẻ: Công dụng và cách sử dụng an toàn
  • Hội chứng Down: Nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả
Bác sĩ Đặng Thanh Tâm
Bác sĩ Đặng Thanh Tâm
ThS – Bác sĩ Đặng Thanh Tâm hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh Viện Đa Khoa Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên năm 2017, nhận bằng thạc sĩ sản nhi năm 2019 tại Đại học Y Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, bác sĩ Đặng Thanh Tâm quyết định tham gia làm bác sĩ cố vấn cho iPREG. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.

Related Posts

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

spot_img

Recent Stories