Trứng vịt chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, bà bầu có được ăn trứng vịt lộn không? Ăn bao nhiêu…
Trứng vịt lộn (hột vịt lộn) là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, được xếp vào nhóm đầu bảng trong văn hóa ẩm thực Á Đông. Không thể phủ nhận công dụng mà trứng vịt lộn đem lại, tuy nhiên phụ nữ mang thai lại có cơ địa hoàn toàn khác. Vậy khi mang thai bà bầu có được ăn trứng vịt lộn không?
Để làm rõ thắc mắc này của rất nhiều chị em trong giai đoạn bầu bí. Hãy cùng iPREG tìm hiểu chi tiết qua những chia sẻ của bác sĩ Đặng Thanh Tâm trong nội dung dưới đây. Chúng tôi tin, mẹ sẽ khám phá thêm nhiều thông tin dinh dưỡng hữu ích.
Cố vấn nội dung: Dr. Đặng Thanh Tâm
ThS – Bác sĩ Đặng Thanh Tâm hiện đang công tác tại khoa sản nhi Bệnh Viện Đa Khoa Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên năm 2017, nhận bằng thạc sĩ sản nhi năm 2019 tại Đại học Y Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, bác sĩ Đặng Thanh Tâm quyết định tham gia làm bác sĩ cố vấn cho iPREG. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: contact@ipreg.vn.
Thành phần dinh dưỡng của trứng vịt lộn
Ở Việt Nam và một số nước Châu Á, trứng vịt lộn là món ăn được nhiều người sử dụng. Trứng vịt lộn là trứng vịt đang trong quá trình phát triển thành cá thể vịt con. Nhưng vì tác động tự nhiên hay chủ đích mà quá trình này bị gián đoạn. Cá thể vịt vẫn nằm trong vỏ trứng, các bộ phận đã được hình thành đầy đủ.
Theo nghiên cứu, 1 quả trứng vịt lộn cung cấp khoảng 13,6g protein, 182 kcal năng lượng, 82 mg canxi. Ngoài ra, trứng vịt lộn còn chứa nhiều chất dinh dưỡng có giá trị như: lipit (12,4g), photpho (212mg), cholesterol (600mg), vitamin A, B, C, sắt,… [*]
Đối với người bình thường, những con số trên thật lý tưởng khi sử dụng trứng vịt lộn. Tuy nhiên, mang thai lại là vấn đề khác. Bà bầu có được ăn trứng vịt lộn không? Cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo.
Bà bầu có ăn trứng vịt lộn được không?
Hiện tại, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về những ảnh hưởng khi bà bầu ăn trứng vịt lộn. Do đó, câu trả lời phụ thuộc vào chế độ ăn uống, kiêng cữ, tín ngưỡng của mỗi mẹ:
Bà bầu ăn trứng vịt lộn trong 3 tháng đầu
Mẹ đang bị hành nghén, việc ăn uống trứng vịt lộn hay các loại thực phẩm đều rất khó khăn. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bà bầu chỉ nên ăn trứng vịt lộn khi cơ thể cho phép. Tức là không bị tình trạng buồn nôn gây ảnh hưởng trước và sau khi ăn.
Phần lớn thời gian trong tam cá nguyệt thứ nhất, thai nhi chưa cần tới dinh dưỡng trực tiếp từ mẹ. Tới cuối giai đoạn này, bé mới cần một lượng nhỏ dưỡng chất qua dây rốn. Vì vậy, mẹ chỉ cần bổ sung thực phẩm ở mức vừa phải, và nên ăn các loại hoa quả trong 3 tháng đầu để hạn chế tình trạng nôn ói.
Trường hợp ít bị hành nghén làm phiền, bà bầu có thể sử dụng trứng vịt lộn hay các món ăn yêu thích bình thường. Cần nhớ là chỉ nên ăn với lượng vừa đủ, tránh ngộ độc và tăng cân quá mức. Lượng dùng trứng vịt lộn là khoảng 2 đến 3 quả mỗi tuần. Có thể ít hơn, tốt nhất mẹ nên ăn với lượng từ từ để kiểm tra nếu thấy bất thường.
Xem thêm: Ăn gì để vào con không vào mẹ? Chuyên gia tư vấn
Bà bầu ăn trứng vịt lộn 3 tháng giữa
Đây là khoảng thời gian cơ thể mẹ cần lượng dinh dưỡng rất lớn. Nếu bà bầu đã ăn được trứng vịt lộn trong 3 tháng đầu, mẹ hoàn toàn có thể sử dụng ở giai đoạn tiếp theo này.
Tuy nhiên, lượng dùng cũng không vì thế mà tăng lên quá nhiều (chỉ 2 đến 5 quả mỗi tuần là đủ). Nếu mẹ ăn nhiều trứng vịt lộn, rất dễ gây tình trạng thừa cân, béo phì khiến bệnh tiểu đường khi mang thai thêm trầm trọng.
Ăn trứng vịt lộn trong 3 tháng cuối
Đây là thời điểm mẹ và thai nhi tăng trưởng đột biến. Nếu không biết kiểm soát chế độ ăn uống, mẹ và bé sẽ mất kiểm soát kích thước cũng như cân nặng. Hậu quả khi mất kiểm soát tình trạng cơ thể rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như quá trình sinh nở sau này.
Trứng vịt lộn thường ăn kèm với gừng, rau răm. Đây đều là 2 loại thực phẩm có tính mẫn cảm khá lớn. Đặc biệt là rau răm, ăn nhiều loại rau này gây co bóp tử cung, có khả năng sảy thai cao. Lượng dùng trứng vịt lộn 3 tháng cuối cũng giống như 3 tháng giữa (2 đến 5 quả mỗi tuần hoặc ít hơn). Mẹ nên lưu ý nhé!
Những lợi ích khi bà bầu ăn trứng vịt lộn
Bà bầu ăn trứng vịt lộn làm giảm tình trạng mệt mỏi
Nhờ chứa hàm lượng sắt nên khi ăn trứng vịt lộn, sẽ giúp cho các mẹ giảm thiểu tình trạng mệt mỏi, chóng mặt hay bị hoa mắt khá hiệu quả. Điều này thực sự hữu dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Mệt mỏi là dấu hiệu có thai thường gặp, nếu ăn trứng vịt lộn với lượng vừa đủ, mẹ sẽ thấy thoải mái hơn trong sinh hoạt.
Ăn trứng vịt lộn giúp cung cấp dưỡng chất cho thai nhi
Việc ăn trứng vịt lộn ở mức vừa phải, sẽ giúp cho thai nhi được phát triển toàn diện và khỏe mạnh. Vitamin A có nhiều trong trứng vịt lộn giúp các cơ quan như: tim, thận, phổi, gan, mắt và hệ thần kinh trung ương phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên, để mẹ và thai nhi phát triển toàn diện, ăn nguyên trứng vịt lộn thôi chưa đủ. Mẹ có thể tham khảo tại chuyên mục: Dinh dưỡng thai kỳ để có thông tin đầy đủ nhất.
Phòng tránh bệnh về xương
Lượng canxi có chứa trong 1 quả trứng vịt lộn lên tới 82mg. Vì thế, khi mẹ ăn trứng vịt lộn sẽ giúp bé phát triển tốt hơn, đặc biệt là xương. Không chỉ bé, mẹ cũng dễ dàng phòng tránh các bệnh do thiếu canxi gây ra. Ngoài ra, ăn trứng vịt lộn cũng giúp mẹ giảm đau lưng đáng kể.
Nhưng thừa canxi cũng gây hậu quả nhiêm trọng, có thể kể đến như táo bón. Trong suốt thời gian mang thai, lượng canxi tối đa mỗi ngày mẹ cần bổ sung là khoảng 1000 đến 1200mg. Canxi có trong phần lớn thực phẩm mẹ sử dụng hằng ngày. Do đó, đừng ăn trứng vịt lộn quá nhiều mẹ nhé.
Các lưu ý khi bà bầu ăn trứng vịt lộn
Để tránh mắc các sai lầm cũng như nguy hiểm khi bà bầu ăn trứng vịt lộn. iPREG có một vài lưu ý sau:
Khi mang thai, việc bổ sung nhiều chất dinh dưỡng bằng các thực phẩm đa dạng là điều rất cần thiết. Song dù bất cứ loại thức ăn, đồ uống nào cũng không nên sử dụng quá nhiều. Đối với trứng vịt lộn cũng thế, mỗi tuần mẹ chỉ nên ăn 2 đến 3 quả. Đừng vì thèm quá mà ăn quá nhiều một lúc, rất dễ gây ngộ độc.
Hạn chế hoặc không nên ăn trứng vịt lộn vào buổi tối vì chúng có chứa hàm lượng protein khá cao. Gây nên chứng khó tiêu, đầy hơi khiến bà bầu bị mất ngủ.
Bác sĩ khuyến cáo, trường hợp mẹ mắc các bệnh như: tiểu đường thai kỳ, bệnh về tim mạch hay huyết áp cao thì không nên ăn trứng vịt lộn. Nếu ăn quá nhiều rất dễ gây tắc nghẽn mạch máu, rất nguy hiểm.
Mẹ khi đang ở 3 tháng đầu của thai kỳ, không được ăn trứng vịt lộn kết hợp cùng rau răm. Bởi chúng sẽ có nguy có ra máu, nguy hiểm hơn là dẫn đến sảy thai.
Không được ăn cùng lúc với các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A như uống các loại thuốc bổ sung vitamin, gan động vật,… Dư thừa vitamin A gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, mẹ cần nhớ kỹ.
Cần chế biến thật kỹ trước khi ăn. Trứng vịt lộn phải được chế biến thật kỹ trước khi sử dụng. Nếu trứng có mùi hoặc vẫn đỏ sau khi bóc vỏ, mẹ tuyệt đối không được sử dụng.
Kết luận
Tới đây, hẳn mẹ đã tìm được lời giải cho câu hỏi: Bà bầu có được ăn trứng vịt lộn không?. Chúng tôi hy vọng với những thông tin cung cấp phía trên, mẹ sẽ có phương pháp ăn trứng vịt lộn hiệu quả. Đảm bảo vừa ngon miệng vừa an trong khi sử dụng. Chúc mẹ có khoảng thời gian mang thai ý nghĩa!
[*] Số liệu thống kê từ nguồn: Cục vệ sinh an toàn thực phẩm – Bộ Y Tế.
Mẹ có thể tham khảo thêm
- 10 loại thực phẩm mẹ cần tránh hoặc hạn chế sử dụng khi mang thai
- Cách tính ngày dự sinh biết chính xác ngày con chào đời
- Dinh dưỡng tháng đầu: Mẹ nên ăn gì để thai nhi khỏe mạnh?
- Thai giáo 3 tháng đầu: Hình thành liên kết giữa mẹ và bé
- Bà bầu bị đau lưng: Nguyên nhân và cách giảm đau lưng hiệu quả